2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Mua vốn góp, cổ phần là hình thức đầu tư dài hạn của của các tổ chức tín dụng. Theo đó, việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc chung mà pháp luật quy định. Cụ thể, Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về giới hạn mua vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng như sau:
“Điều 129. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần
1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.
3. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
4. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 110 của Luật này vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.
5. Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
6. Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý.”
Góp vốn, mua cổ phần là việc các tổ chức tín dụng sử dụng vốn điều lệ của mình để góp vốn thành lập công ty mới hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp khác phát hành. Việc góp vốn, mua cổ phần không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, cũng như cơ cấu vốn của tổ chức tín dụng mà còn ảnh hưởng đến bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp được thành lập. Do đó, góp vốn, mua cổ phần được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật, trong đó có quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Có thể hiểu giới hạn góp vốn, mua cổ phần là tỷ lệ tối đa mà tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác, cũng như các trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần. Theo đó, pháp luật quy định như sau:
-Trường hợp được góp vốn, mua cổ phần. Tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác trong các trường hợp sau đây:
1. Đối với ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận. Ngân hàng thương mại bao gồm cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực sau: Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng; lĩnh vực khác mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của cả ngân hàng thương mại, công ty con, công ty liên kết của ngân hàng đó cộng lại không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận góp vốn. Bên cạnh đó, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. Tức ngân hàng thương mại, công ty con, công ty liên kết của ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ tại NHNN để góp vốn, mua cổ phần. Mức góp vốn, mua cổ phần không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý. Công ty quản lý quỹ là một loại hình tổ chức trung gian tài chính, chuyên thành lập và quản lý các quỹ đầu tư, phục vụ nhu cầu đầu tư trung và dài hạn của công chúng.
2. Đối với công ty tài chính. Công ty tài chính là hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, được thực hiện một hoặc một số các hoạt động ngân hàng mà pháp luật cho phép. Theo đó, công ty tài chính bao gồm: công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành, công ty tài chính bao thanh toán và công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Góp vốn, mua cổ phần là nghiệp vụ của công ty tài chính được pháp luật công nhận. Theo đó, mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Bên cạnh đó, công ty tài chính còn được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào các doanh nghiệp, kể cả việc góp vốn, thành lập các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ tại NHNN. Cũng như đối với việc mua vốn góp, cổ phần của các ngân hàng thương mại, mức góp vốn, mua cổ phần không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý.
-Trường hợp không được góp vốn, mua tổ phần. Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó. Thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng có thể là cá nhân, tổ chức. Theo đó, đối với thành viên là tổ chức, thì tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức đó.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh