2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Cấp tín dụng là hoạt động cơ bản của tổ chức tài chính vi mô. Điều 120 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô như sau:
“Điều 120. Cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô
1. Tổ chức tài chính vi mô chỉ được cấp tín dụng bằng đồng Việt Nam dưới hình thức cho vay. Việc cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn.
2. Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cấp tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ trong tổng dư nợ cấp tín dụng không thấp hơn tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định”
Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Theo đó, hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô được thực hiện như sau:
-Tổ chức tài chính vi mô chỉ được cấp tín dụng bằng đồng Việt Nam dưới hình thức cho vay. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Việc cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn. Thông thường, khi vay tiền tại tổ chức tín dụng, người vay phải thế chấp tài sản để đảm bảo cho khả năng trả nợ trong tương lai, hoặc sử dụng các biện pháp bảo đảm khác như: bảo lãnh, tín chấp,…Tổ chức tài chính vi mô khi cho vay cũng cần sử dụng biện pháp bảo đảm để bảo đảm khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đối với khách hàng tài chính vi mô pháp luật bắt buộc họ phải có tài khoản tiết kiệm bắt buộc với số dư theo quy định của tổ chức tài chính vi mô. Khi những người này vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô, khoản tiết kiệm bắt buộc này có thể xem là tài sản bảo đảm cho khoản vay của họ nếu khoản vay nhỏ hơn hoặc bằng với số dư của tài khoản tiết kiệm bắt buộc. Bằng cách sử dụng tài khoản tiết kiệm bắt buộc, khách hàng tài chính vi mô cũng có thể đứng ra bảo lãnh cho người khác vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô.
-Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cấp tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ trong tổng dư nợ cấp tín dụng không thấp hơn tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm tổng số dư nợ cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, tổng mức mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (bao gồm cả dư nợ cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật); hạn mức cho vay chưa giải ngân, hạn mức thẻ tín dụng, số dư bảo lãnh ngân hàng, cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ của thư tín dụng) và số dư các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng. Theo đó, tổng mức dư nợ của tổ chức tài chính vi mô là tổng dư nợ các khoản cấp tín dụng. Việc tổng mức dư nợ tín dụng thấp hơn tỷ lệ do NHNN quy định chứng tỏ sự yếu kém trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh