Hoạt động của ngân hàng hợp tác xã?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:56 (GMT+7)

Hoạt động chủ yếu của ngân hàng hợp tác xã là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân.

1.Căn cứ pháp lý

Ngân hàng hợp tác xã là tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức hợp tác xã. Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng phù hợp với tính chất, đặc điểm là doanh nghiệp hợp tác xã. Điều 117 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về hoạt động của ngân hàng hợp tác xã như sau:

Điều 117. Hoạt động của ngân hàng hợp tác xã
1. Hoạt động chủ yếu của ngân hàng hợp tác xã là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân.
2. Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản”

2.Nội dung

Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân. Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng sau:
- Hoạt động chủ yếu của ngân hàng hợp tác xã là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân. Mục đích của ngân hàng hợp tác xã là liên kết các quỹ tín dụng nhân dân, đảm bảo hoạt động ổn định, an toan, phát triển cho các quỹ tín dụng nhân dân. Theo quy định chung của pháp luật, ngân hàng hợp tác xã là loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhằm mục đích chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống. 
-Bên cạnh đó, để phát triển kinh doanh, tạo lợi nhuận cho các thành viên, cũng như củng cố năng lực tài chính để đối ứng với những rủi ro có thể xảy ra. Pháp luật cho phép các ngân hàng hợp tác xã có thể thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của các ngân hàng thương mại nếu được NHNN cấp phép. Các hoạt động đó bao gồm:
1.Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác. Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận
2.Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài. Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
3. Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây: Cho vay; Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác; Bảo lãnh ngân hàng; Phát hành thẻ tín dụng; Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế; Các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. 
4. Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng. Để khách hàng được sử dụng các dịch vụ mà ngân hàng hợp tác xã cung cấp thì việc mở tài khoản thanh toán là một trong những nghiệp vụ cơ bản. Theo đó, khách hàng mở một tài khoản tại ngân hàng, khách hàng có thể thanh toán, tiết kiệm, nhận tiền gửi, chuyển tiền,…thông qua tài khoản đã mở tại ngân hàng. Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, các doanh nghiệp đang dần đưa hệ thống công nghệ thông tin vào để quản lý, điều hành doanh nghiệp. Điều đó đã tạo cơ hội cho các hoạt động kinh doanh được diễn ra nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, công sức của cả doanh nghiệp và khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Hiện nay, chỉ với thiết bị điện tử khách hàng có thể dễ dàng thanh toán tiền điện, nước, viễn thông…mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch như trước. 
5. Cung ứng các phương tiện thanh toán.
6. Cung ứng các dịch vụ thanh toán sau đây: Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ; Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
7. Dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn. Dịch vụ quản lý tiền mặt là quá trình thu thập và quản lý dòng tiền. Quản lý tiền mặt quan trọng đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Trong kinh doanh, nó là thành phần chính trong sự ổn định tài chính của một doanh nghiệp. Đối với cá nhân, tiền mặt cũng rất cần thiết cho sự ổn định tài chính và cũng được coi là một phần của tổng danh mục tài sản. Nắm bắt tầm quan trọng này, các ngân hàng hợp tác xã đã đưa dịch vụ quản lý tiền mặt vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thu lợi nhuận. Tư vấn tài chính là việc tư vấn cho những người có nhu cầu với các kế hoạch tài chính cụ thể. Một dịch vụ tư vấn tài chính được đánh giá hiệu quả khi nó cung cấp được những kế hoạch kinh doanh tài chính hấp dẫn cho khách hàng. Dịch vụ bảo quản tài sản là dịch vụ của tổ chức tín dụng nhận bảo quản tài sản của khách hàng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn là dịch vụ của tổ chức tín dụng cho khách hàng thuê tủ, két để khách hàng sử dụng bảo quản tài sản theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
8. Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư.
9. Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu là một loại chứng nhân nghĩa vụ nợ của tổ chức tín dụng phát hành buộc phải trả cho người sở hữu một khoản tiền cụ thể, trong một khoảng thời gian xác định, với một khoản lợi tức quy định. Trái phiếu có thời hạn từ 01 năm trở lên. Trái phiếu Chính phủ là trái phiếu được phát hành bởi Chính phủ của một quốc gia. Trái phiếu Chính phủ là kênh đầu tư an toàn, có thể dễ dàng trao đổi mua bán giữ các nhà đầu tư. Trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do các doanh nghiệp khác phát hành. Đây là công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư của các ngân hàng thương mại.
10. Dịch vụ môi giới tiền tệ. Môi giới tiền tệ là việc làm trung gian có thu phí môi giới để thu xếp thực hiện các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác.
11. Lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Lưu ký chứng khoán là việc nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng, giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán lưu ký.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư