2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hợp tác và cạnh tranh là điều tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, nhằm mục đích nâng cao uy tín, chất lượng, đồng thời tìm kiếm lợi nhuận, trong đó có hoạt động ngân hàng. Hiện nay, tại Việt Nam có 49 ngân hàng cùng nhiều các công ty tài chính khác, vậy nên việc hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo đó, để đảm bảo sự phát triển đi đôi với ổn định, bền vững và bảo vệ lợi ích của các chủ thể, pháp luật đã quy định những nguyên tắc chung trong việc hợp tác, cạnh tranh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng như sau:
“Điều 9. Hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này”
Hợp tác và cạnh tranh là chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó hợp tác là việc hai hay nhiều tổ chức tín dụng liên kết, công tác với nhau trên cơ sở thỏa thuận hợp đồng cùng thực hiện một chiến lược kinh doanh nào đó, nhằm đem lại lợi ích cho tất các các thành viên cùng hợp tác. Còn cạnh tranh là khả năng của một tổ chức tín dụng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn, đặc biệt hơn, ưu đãi hơn so với các tổ chức tín dụng khác cùng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đó. Hợp tác và cạnh tranh là hoạt động phổ biến trong quá trình kinh doanh, phát triển của các doanh nghiệp. Đó là điều kiện để các tổ chức tín dụng thu hút khách hàng, tạo niềm tin đối với khách hàng, từ đó xây dựng doanh nghiệp ngày một vững mạnh. Để việc hợp tác, cạnh tranh được diễn ra lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của nhau, pháp luật đã quy định các nguyên tắc chung mà các tổ chức tín dụng phải tuân thủ khi hợp tác và cạnh tranh với nhau, cụ thể:
-Một là, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong các hoạt động ngân hàng. Các hoạt động ngân hàng rất đa dạng và phong phú, các tổ chức tín dụng cùng cung ứng các dịch vụ như nhau sẽ có những biện pháp nhằm đổi mới các sản phẩm, dịch vụ của mình để thu hút khách hàng. Ví dụ: để thu hút khách hàng, các ngân hàng có thể tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn dựa trên mức lãi suất trần nhà nước quy định và giảm lãi suất cho vay nhằm tìm kiếm khách hàng vay vốn; hay cải thiện các chính sách đối với thẻ tín dụng để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình…Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng nhỏ lẻ khó có sức cạnh tranh với những ngân hàng lớn, lâu đời thì việc hợp tác cùng phát triển là biện pháp quan trọng để khẳng định vụ thể của mình. Ví dụ: trong thời gian hiện nay xu hướng hợp tác cùng phát triển của Fintech và hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng phổ biến. Với sự kết hợp giữa tiền tệ tài chính và công nghệ, sự hợp tác này là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng không chỉ canh tranh và hợp tác trong hoạt động ngân hàng, mà còn lấn sang những hoạt động kinh doanh khác như: kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán,…Việc hợp tác, cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh khác là cơ hội để mở rộng kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, Nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động hợp tác, cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Bởi, hoạt động của các tổ chức tín dụng ảnh hưởng đến chính sách tài chính-tiền tệ của cả quốc gia. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các tổ chức tín dụng để vừa phát triển, vừa đảm bảo tính an toàn trong hoạt động của mình.
-Hai là, nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc mở rộng hợp tác, cạnh tranh đòi hỏi các tổ chức hoạt động ngân hàng phải kịp thời nắm bắt thời cơ, đảm bảo tạo lập một thị trường tài chính an toàn, lành mạnh. Sức ép hội nhập buộc các TCTD phải cạnh tranh với nhau để tạo lập vị trí của mình trên thị trường. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc áp dụng mọi thủ đoạn gây thiệt hại cho chủ thể khác để vụ lợi cho mình. Trong quá trình cạnh tranh các tổ chức tín dụng phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Nghiêm cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn cả hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Một số hành vi được cho là cạnh tranh không lành mạnh như: khuyến mại bất hợp pháp; đầu cơ lũng loạn trên thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ; cung cấp thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến lợi ích của tổ chức tín dụng khác và khách hàng…Hoạt động ngân hàng không chỉ là vấn đề kinh doanh của riêng các tổ chức tín dụng, mà nó còn mang tính chất quyết định đến tình hình tài chính-tiền của một quốc gia, chi phối sự phát triển của nền kinh tế.
-Ba là, chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là việc các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp cạnh tranh trái pháp luật, gây tổn hại đến chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh tác động mạnh mẽ đến sự ổn định chung của thị trường, do đó, để xác định một hành vi cạnh tranh là không lành mạnh không thể dựa trên suy đoán. Theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hình thức xử lý được xác định theo quy định cụ thể của chính phủ.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh