Nhiệm vụ của chủ sở hữu tổ chức tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:52 (GMT+7)

Góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết; Tuân thủ Điều lệ của tổ chức tín dụng; Phải xác định và tách biệt giữa tài sản của chủ sở hữu với tài sản của tổ chức tín dụng

1.Căn cứ pháp lý

Đối với tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì chỉ có duy nhất một chủ thực hiện góp vốn kinh doanh tổ chức tín dụng. Để thực hiện quyền chủ sở hữu đối với công ty của mình, chủ thể được pháp luật trao cho nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản trong quá trình hoạt động. Cụ thể, khoản 2 Điều 66 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về nhiệm vụ của chủ sở hữu tổ chức tín dụng hữu hạn một thành viên như sau:

Điều 66. Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu
2. Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có các nhiệm vụ sau đây:
a) Góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết;
b) Tuân thủ Điều lệ của tổ chức tín dụng;
c) Phải xác định và tách biệt giữa tài sản của chủ sở hữu với tài sản của tổ chức tín dụng;
d) Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa tổ chức tín dụng và chủ sở hữu;
đ) Các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng”

2.Nội dung

Đặc trưng cơ bản của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là chỉ có duy nhất một chủ thể góp vốn làm chủ sở hữu của công ty. Trong hoạt động tín dụng, không phải bất kỳ tổ chức hoạt động ngân hàng nào cũng có thể thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Theo đó, các tổ chức được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm: Ngân hàng thương mại nhà, tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, tổ chức tài chính vi mô. Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính của tổ chức trong phạm vi vốn góp của mình. Là chủ sở hữu duy nhất của tổ chức tín dụng, chủ thể được pháp luật trao cho quyền hạn để vận hành tổ chức trên thị trường. Bên cạnh đó, để bảo vệ lợi ích chung cho tổ chức tín dụng và các cá nhân khác làm việc tại tổ chức, chủ sở hữu cũng phải thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Cụ thể:
-Góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết. Pháp luật quy định về mức vốn pháp định đối với các tổ chức kinh doanh hoạt động ngân hàng, theo đó, khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng, các chủ thể phải đảm bảo vốn góp thực tối thiểu bằng vốn pháp định. Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phải được đăng ký với NHNN, khi đã đăng ký thì chủ thể thành lập có nghĩa vụ phải góp vốn đúng, đầy đủ như đã đăng ký. Trên thực tế, có những trường hợp đăng ký vốn điều lệ lớn hơn vốn pháp định nhưng thực chất vốn góp lại thấp hơn rất nhiều so với vốn pháp định. Điều đó làm ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của hệ thống tín dụng. Hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng kinh doanh chủ yếu dựa trên nguồn tiền của người khác, điều đó đồng nghĩa với việc nếu kinh doanh thua lỗ không chỉ tổ chức tín dụng đó bị ảnh hưởng mà cả nền kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, vốn điều lệ là nền tảng để hạn chế, ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của tổ chức. Nên, vốn góp thực tế phải bằng với vốn điều lệ là quy định bắt buộc không chỉ riêng với tổ chức tín dụng là công ty TNHH một thành viên.
-Tuân thủ Điều lệ của tổ chức tín dụng. Điều lệ được ví như bản Hiến pháp của tổ chức tín dụng, là cơ sở để điều chỉnh hầu hết các hoạt động của tổ chức đó từ người quản lý, điều hành đến nhân viên. Mà chủ sở hữu là người đứng đầu tổ chức, do đó, việc thực hiện theo đúng Điều lệ có ý nghĩa quan trọng. 
-Phải xác định và tách biệt giữa tài sản của chủ sở hữu với tài sản của tổ chức tín dụng. Đặc trưng của loại hình công ty TNHH một thành viên là chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ, và nghĩa vụ tài chính của công ty bằng toàn bộ vốn góp của mình. Điều này làm hạn chế rủi ro cho chủ sở hữu trong trường hợp tổ chức tín dụng phá sản. Đồng thời việc không rõ ràng trong tài sản cá nhân với tài sản của tổ chức tín dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Điều đó có thể làm giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nếu không tách biệt rõ ràng hai nguồn tài sản này.
-Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa tổ chức tín dụng và chủ sở hữu. Trong quá trình kinh doanh, việc tham gia vào các giao dịch là điều tất yếu. Theo đó, khi tham gia vào các giao dịch với tổ chức tín dụng, chủ sở hữu phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
-Các nhiệm vụ khác theo quy định của LTCTD và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư