Những trường hợp không được cấp tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:57 (GMT+7)

Để đảm bảo an toàn cho trong quá trình cấp tín dụng pháp luật đã quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng...

1.Căn cứ pháp lý

Cấp tín dụng là một trong những nghiệp vụ cơ bản mà hầu hết các tổ chức tín dụng được thực hiện. Hoạt động này đem lại lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro cao. Để đảm bảo an toàn cho trong quá trình cấp tín dụng pháp luật đã quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng. Cụ thể, Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định như sau:

Điều 126. Những trường hợp không được cấp tín dụng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;
b) Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.
5. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.
6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
7. Việc cấp tín dụng quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.”

2.Nội dung

2.1.Những trường hợp không được cấp tín dụng

-Hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm chịu sự tác động của nhiều yếu tổ và cũng tác động lại các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia. Mà một trong những nghiệp vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất chính là cấp tín dụng. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Rủi ro lớn nhất mà các tổ chức tín dụng luôn phải đối mặt khi đặt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng là rủi ro tín dụng, không chỉ gây ra tổn thất về tài chính, giảm giá trị thị trường của vốn tổ chức, mà có thể làm cho hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng, gồm các yếu tố thuộc về bản thân các ngân hàng và các yếu tố bên ngoài. Do đó, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, các nhà làm luật đã nhận xét, phân tích, đánh giá và đưa ra một số trường hợp đặc biệt mà tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:
1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn. Đây đều là những chủ thể có quyền quản lý, điều hành tổ chức tín dụng. Họ có thẩm quyền phê duyệt các khoản cấp tín dụng của tổ chức. Để được cấp tín dụng, chủ thể phải đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định như: năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, phương án sản xuất kinh doanh, lịch sử tín dụng…Những yếu tố này được xác định dựa trên quy trình thẩm định của từng tổ chức sau đó phải được cấp có thẩm quyền trong bộ máy quản trị, điều hành của chính tổ chức đó phê duyệt. Việc những người quản lý, điều hành tổ chức lại chính là người đi vay sẽ đặt ra các vấn đề như tính công khai, minh bạch, lạm dụng chức quyền,…Việc người đi vay lại chính là người phê duyệt giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khiến cho quy trình cấp tín dụng không phát huy đúng vai trò của nó. Việc lạm dụng chức quyền tác động đến quyết định phê duyệt cấp tín dụng hay không là điều không thể tránh khỏi khi những người này thuộc đối tượng được cấp tín dụng.
2. Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương. Cha, mẹ, vợ, chông, con của những chủ thể có quyền điều hành, quản lý tổ chức tín dụng là người có liên quan theo quy định pháp luật. Việc cấp tín dụng cho những người này cũng tương tự với trường hợp trên. Những người này có quan hệ gia đình thân thiết, huyết thống với nhau. Khi thực hiện bất kỳ công việc nào, đòi hỏi chủ thể thực hiện phải minh bạch, công bằng, khách quan, không bị lợi ích chi phối. Không có gì để đảm bảo, những người có chức vụ không lạm dụng quyền lợi để đem lại lợi ích cho những người thân thiết với mình. Vì vậy, vấn đề gian lận trong quy trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương không thể đối tượng cấp tín dụng của các tổ chức.
-Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định trên. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng không được cấp tín dụng theo quy định.
-Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát. Nếu tổ chức tín dụng là chủ thể có quyền với doanh nghiệp chứng khoán, thì việc ưu tiên cấp tín dụng cho công ty đó là điều đương nhiên. Việc này không công bằng đối với những doanh nghiệp khác, cũng như không đảm bảo an toàn đối với khoản tiền cấp tín dụng.
-Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng. Cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc công ty con là vốn điều lệ của tổ chức, thực hiện kinh doanh đầu tư. Tài sản bảo đảm phải là tài sản có khả năng chi trả thay cho khoản nợ gốc. Việc sử dụng vốn điều lệ để đảm bảo cho khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức mình có thể ảnh hưởng đến vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, lợi nhuận của tổ chức. Thậm chí có thể gây thiệt hại nặng nề, dẫn đến phá sản.
-Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Tức, khoản tiền cấp tín dụng được xem như khoản tiền mua cổ phần tại tổ chức, doanh nghiệp đi vay. Việc mua vốn góp, cổ phần của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trích từ vốn điều lệ của chính tổ chức. Trong khi nguồn tiền cấp tín dụng là nguồn tiền huy động từ những nhà đầu tư, khách hàng là cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nguồn vốn nhàn rỗi. Chính vì vậy, việc cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần không được phép thực hiện.
-Việc cấp tín dụng theo quy định hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

2.2.Trường hợp loại trừ

- Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; và những người có liên quan. Cụ thể hoạt động cấp tín dụng vẫn áp dụng với những đối tượng trên trong 02i trường hợp sau
1.Tổ chức tín dụng là quỹ tín dụng nhân dân. Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của LTCTD và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Mục đích của quỹ tín dụng nhân dân là hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên, cùng nhau phát triển, kinh doanh, ổn định đời sống. Vì vậy, việc cấp tín dụng giữ các thành viên là điều đương nhiên. Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 118 LTCTD năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định quỹ tín dụng nhân dân được cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng là thành viên.
2. Trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân. Cấp tín dụng là nghiệp vụ nói chung, trong đó bao gồm các hoạt động cụ thể như: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng…trong đó có hoạt động cấp thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng thực chất là một sản phẩm dịch vụ của các tổ chức tín dụng với chức năng hỗ trợ người dùng chi tiêu, thanh toán mua sắm ngay cả khi tài khoản không có tiền. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ cấp cho mỗi thẻ tín dụng một hạn mức nhất định, người tiêu dùng được sử dụng để thanh toán trong hạn mức đó và trả lại số tiền đã sử dụng khi đến hạn. Đây là dịch vụ tiện ích mà tổ chức tín dụng cung cấp cho khách hàng không phải trả qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt như đối với hoạt động cho vay. Vì hạn mức thẻ tín dụng không lớn, lại thuận tiện cho khách hàng khi thanh toán cả trong nước và quốc tế. Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư