2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Quy chế nội bộ của doanh nghiệp được hiểu là một loại văn bản do chính doanh nghiệp đó ban hành, có chức năng điều chỉnh các mối quan hệ đối nội, góp phần ổn định, phát triển doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp tự mình xây dựng quy chế nội bộ phù hợp với nhu cầu, tính chất của mình, đồng thời phải đảm bảo các nguyên tắc chung mà pháp luật quy định. Việc xây dựng quy chế nội bộ của các tổ chức tín dụng được điều chỉnh tại Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017, cụ thể như sau:
“Điều 93. Quy định nội bộ
1. Căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành các quy định nội bộ đối với các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh, phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.
2. Tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ sau đây:
a) Quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích;
b) Quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro;
c) Quy định về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
d) Quy định về quản lý thanh khoản, trong đó có các thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản;
đ) Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế kiểm toán nội bộ phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng;
e) Quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;
g) Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng;
h) Quy định về quy trình, thủ tục, bao gồm cả nguyên tắc nhận biết khách hàng để bảo đảm ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng bị lạm dụng cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác;
i) Quy định về phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.
3. Tổ chức tín dụng phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước các quy định nội bộ tại khoản 2 Điều này ngay sau khi ban hành”
Quy định nội bộ có vai trò trong việc định hướng cho các tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động. Nó ràng buộc các cơ quan, chủ thể của tổ chức trong một khuôn khổ, quy tắc xử xự nhất định, và là cơ sở để xem xét, xử lý hành vi vi phạm của các chủ thể hoặc nhóm chủ thể. Căn cứ vào quy định của LTCTD và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành các quy định nội bộ đối với các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh, phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp. Có thể thấy việc ban hành quy định nội bộ không chỉ có tác động đến bản thân tổ chức tín dụng đó, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các khách hàng, đối tác của tổ chức. Vì vậy, quy định nội bộ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý, điều hành tổ chức tín dụng. Theo đó, các quy định nội bộ cơ bản bắt buộc các tổ chức tín dụng phải ban hành bao gồm:
-Quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Cấp tín dụng là hình thức cho vay của tổ chức tín dụng, thông qua các hình thức như cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính…khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình được tổ chức tín dụng cấp một khoản tiền trong thời hạn nhất định. Khi hết thời hạn đó, người được cấp tín dụng phải trả cho tổ chức tín dụng một khoản tiền bao gồm cả gốc và lãi. Để đảm bảo khả năng thanh toán nợ gốc và lãi khi đến hạn các tổ chức tín dụng phải tiến hành phân tích khả năng tài chính của khách hàng sau đó mới quyết định cho vay hay không, và trong quá trình cho vay các cán bộ tín dụng phải quản lý, giám sát khoản vay đảm bảo thanh lý tài sản bảo đảm ngay khi cần thiết. Công tác này được thực hiện thống nhất theo một trình tự riêng, phù hợp với chiến lược kinh doanh, phát triển của tổ chức tín dụng. Tránh trường hợp không thu hồi được nợ, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng.
-Quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Tài sản có của tổ chức tín dụng thực chất là hoạt động sử dụng nguồn vốn huy động được vào các tài sản nhằm mục đích thu lãi suất, tạo ra lợi nhuận. Một số loại tài sản có của tổ chức tín dụng bao gồm: khoản tiền dự trữ gửi tại NHNN và tiền mặt tại tổ chức; tiền trong quá trình thu; tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác; chứng khoán; tín dụng…Việc dự phòng rủi ro là điều kiện căn bản để tổ chức kinh doanh hoạt động tổ chức tín dụng, là hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn tiền của người khác. Để đảm bảo khả năng chi trả, tổ chức tín dụng phải trích lập một khoản tiền để dự phòng rủi có thể xảy ra trong quá trình hoạt động, để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng.
-Quy định về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. VIệc đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, được xây dựng trên nguyên tắc quản lý rủi ro đối với tài sản, căn cứ vào nhu cầu, đặc điểm, mức độ rủi ro trong hoạt động, xem xét đến chu kỳ kinh doanh, khả năng thích ứng với rủi ro và chiến lược kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Nội dung của Quy định này phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan, trong đó tối thiểu phải có nội dung sau: 1.Quy định về cơ cấu tổ chức, cơ chế phân cấp, ủy quyền và chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận quản lý đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
2. Các nguyên tắc, chính sách, quy trình nhận dạng, đo lường, theo dõi, kiểm soát, báo cáo và trao đổi thông tin về rủi ro để tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
3.Các quy định về quản lý cơ cấu vốn tự có và tài sản phải đánh giá được: mức độ và xu hướng của các rủi ro, tác động của rủi ro đến yêu cầu vốn tự có để bù đắp rủi ro; quy mô và chất lượng vốn tự có, khả năng chịu đựng rủi ro từ các yếu tố vĩ mô, khả năng tiếp cận nguồn vốn bổ sung vốn tự có, kể cả khả năng hỗ trợ tài chính từ các cổ đông khi cần thiết để đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; nghĩa vụ cấp vốn đối với các công ty con và công ty liên kết; mục tiêu vốn tự có trong ngắn hạn và dài hạn, dự kiến chi phí bổ sung vốn tự có và giải pháp thực hiện mục tiêu vốn tự có. Các quy định về quản lý cơ cấu vốn tự có và tài sản gồm: Quy trình và phương pháp theo dõi, đánh giá quy mô, cấu phần, chất lượng vốn tự có và danh mục tài sản; Hệ thống quản lý an toàn vốn tối thiểu; Quy định về cảnh báo sớm, trong đó xác định rõ các dấu hiệu để sớm nhận dạng rủi ro, nguy cơ dẫn đến suy giảm tỷ lệ an toàn vốn và việc giám sát, báo cáo theo quy định; Phương án xử lý để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất.
-Quy định về quản lý thanh khoản, trong đó có các thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản. Tổ chức tín dụng phải đảm bảo tối thiểu phải có nội dung sau: Quy định về việc phân cấp, ủy quyền, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận liên quan trong việc quản lý tài sản Có, tài sản Nợ và việc bảo đảm duy trì tỷ lệ khả năng chi trả, thanh khoản; Quy trình, thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản, giới hạn kiểm soát chênh lệch kỳ hạn tài sản Có, tài sản Nợ trên cơ sở dòng tiền vào, dòng tiền ra quy định; Các nguyên tắc, chính sách, quy trình nhận dạng, đo lường, theo dõi, kiểm soát, báo cáo và trao đổi thông tin rủi ro về khả năng chi trả, thanh khoản; các tiêu chí cảnh báo sớm về rủi ro thiếu hụt khả năng chi trả, thanh khoản và các phương án xử lý; Kế hoạch và biện pháp nắm giữ các loại giấy tờ có giá có khả năng thanh khoản cao; Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với việc duy trì tỷ lệ khả năng chi trả, thanh khoản; Mô hình đánh giá và thử nghiệm khả năng chi trả, thanh khoản, trong đó có các phân tích tình huống khả năng chi trả, tính thanh khoản có thể xảy ra.
-Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế kiểm toán nội bộ phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và được tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Tổ chức tín dụng phải thành lập kiểm toán nội bộ chuyên trách thuộc Ban kiểm soát thực hiện kiểm toán nội bộ tổ chức tín dụng. Kiểm toán nội bộ thực hiện rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hệ thống kiểm soát nội bộ; đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đã được thiết lập trong tổ chức tín dụng; đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
-Quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
-Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động.
-Quy định về quy trình, thủ tục, bao gồm cả nguyên tắc nhận biết khách hàng để bảo đảm ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng bị lạm dụng cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác;
-Quy định về phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Để đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp, đầy đủ của quy định nội, tổ chức tín dụng phải gửi cho NHNN bản quy định nội bộ sau khi ban hành.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh