Quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:44 (GMT+7)

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình

1.Căn cứ pháp lý

Các tổ chức tín dụng, được thành lập và hoạt động dựa trên những nguyên tắc chung của pháp luật. Những nguyên tắc này mang tính định hướng cho quá trình hoạt động của mỗi tổ chức. Theo đó, mỗi tổ chức tín dụng có quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động kinh doanh và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh đó sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển và không vi phạm những nguyên tắc chung mà pháp luật quy định. Pháp luật đã ghi nhận quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017, cụ thể như sau:

Điều 7. Quyền tự chủ hoạt động
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật”

2.Nội dung

Quyền tự chủ là quyền của các cá nhân, tổ chức được pháp luật công nhận và bảo vệ. Đối với các tổ chức quyền tự chủ được thể hiện trong việc tổ chức đó tự quản lý, điều hành và kinh doanh độc lập, mà không chịu sự chi phối của bất kỳ chủ thể nào. Trong đó các tổ chức tín dụng cũng là pháp nhân tham gia vào các hoạt động kinh doanh, vì vậy, pháp luật cũng ghi nhận và bảo vệ quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng phải được thực hiện theo nguyên tắc nhất định, nhằm cân bằng lợi ích xã hội cũng như đảm bảo việc thực hiện quyền của các chủ thể không xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể khác. Cụ thể quyền tự chủ hoạt động của các tổ chức tín dụng được thực hiện như sau:
-Một là, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm là quyền năng cơ bản của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng. Dựa trên những quy định của pháp luật về các hoạt động kinh doanh, mỗi tổ chức được thành lập có quyền tự quyết định những phương án kinh doanh để đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp mình. Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng bao gồm một số các nghiệp vụ phổ biến như: cấp tín dụng, nhận tiền gửi, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Mỗi nghiệp vụ có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, mà tùy thuộc vào từng loại hình tổ chức, chiến lược kinh doanh, mục tiêu hoạt động…mà mỗi tổ chức tín dụng có thể tùy ý lựa chọn những hoạt động mà pháp luật cho phép. Ví dụ: Các tổ chức có thể cấp tín dụng thông qua các hình thức sau: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng…Hoặc nhận tiền gửi thông qua hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu….Dựa trên lãi suất cơ bản mà pháp luật quy định, các tổ chức có thể lựa chọn mức lãi suất phù hợp với mục tiêu phát triển của mình. Ví dụ: Điều 1 Quyết định 1729/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là: 

Điều 1. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:
1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm.
2. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5%/năm”

Theo đó, căn cứ vào mức lãi suất tối đa pháp luật ghi nhận, các tổ chức tín dụng quy định mức lãi suất của mình như sau: Đối với ngân hàng BIDV thời hạn gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn là từ 1 tháng trở lên, đối với ngân hàng Vietcombank lãi suất 07 ngày và 14 ngày bằng với lãi suất trần do NHNN quy định là 0,2%/năm,…Do tự quyết định mọi hoạt động kinh doanh, nên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh đó. Quy định này dựa trên nguyên tắc chung của BLDS năm 2015 về việc: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”
-Hai là, không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Can thiệp trái pháp luật là hành vi của cá nhân, tổ chức gây cản trở hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cố tình gây bất lợi cho hoạt động của các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định này, thì việc can thiệp vào hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ bị cấm khi không có căn cứ pháp luật. Tức, trong một số trường hợp pháp luật cho phép cá nhân, pháp nhân có thể can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ví dụ: để ổn định chính sách tiền tệ, kinh tế, xã hội NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết bằng các biện pháp tăng giảm lãi suất cơ bản. Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, nên NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí để giảm mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp.
-Ba là, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả. Từ thời điểm nhận được yêu cầu của khách hàng, các tổ chức tín dụng phải tiến hành phân tích khoản vay, điều kiện cho vay, năng lực của khách hàng…Trên cơ sở phân tích đó mà tổ chức quyết định cấp tín dụng hoặc không. Việc cấp tín dụng cho những khách hàng không đáp ứng điều kiện sẽ gây rủi ro cho cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc thu hồi lại khoản nợ. Do đó, thông qua quá trình phân tích tín dụng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối cấp tín dụng, cũng như cung ứng các dịch vụ khác cho những khách hàng không đáp ứng điều kiện. 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư