Thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:00 (GMT+7)

NHNN có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng

1.Căn cứ pháp lý

Thẩm quyền của NHNN đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quy định tại Điều 149 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017, cụ thể như sau:

 “Điều 149. Thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
1. Ngân hàng Nhà nước quyết định xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại điểm d khoản 2 Điều 148 của Luật này.
2. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.
3. Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
4. Việc góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”

2.Nội dung

Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục. Theo đó, khi một tổ chức tín dụng được áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, thì NHNN có thẩm quyền như sau:
-Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt về việc gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hoặc chấm dứt cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, thanh lý, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, tiếp quản, sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng. Thời hạn kiểm soát đặc biệt được xác định trong một đơn vị thời gian cụ thể, kể từ khi bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đến khi khôi phục lại tình trạng ban đầu của TCTD. Khi quyết định kiểm soát đặc biệt, NHNN cần phải xác định thời hạn áp dụng biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc Ban kiểm soát đặc biệt có thể hoàn thành nghĩa vụ trước hoặc sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt đã quy định. Lúc này để tạo điều kiện cho công tác kiểm soát đặc biệt được thực hiện chặt chẽ, đạt hiệu quả, pháp luật đã quy định có thể chấm dứt hoặc gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt. Theo đó, NHNN có quyền quyết định về việc gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với TCTD. 
-Yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc tổ chức lại doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn. NHNN ủy quyền cho Ban kiểm soát đặc biệt thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, khả năng chi trả. Dựa trên tình hình thực tế của tổ chức tín dụng, mà Ban kiểm soát, NHNN có thể xây dựng các phương pháp riêng để cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của tổ chức. Trong đó, có biện pháp tăng vốn chủ sở hữu, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Trong trường hợp tổ chức tín dụng được áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt mà không có khả năng hoặc không thực hiện tăng vốn, thì vì lợi ích chung NHNN được quyền yêu cầu chủ sở hữu thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trong giai đoạn chưa có phương án cơ cấu lại hoặc phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở các thông tin, tài liệu, hồ sơ do tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cung cấp theo quy định pháp luật hoặc thông tin từ báo cáo kiểm toán độc lập, kết luận thanh tra và các nguồn thông tin khác, Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá thực trạng hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để chủ động thực hiện hoặc báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh áp dụng biện pháp xử lý phù hợp với thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Thông báo kịp thời cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt các thông tin, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
-Chỉ định tổ chức tín dụng khác mua  cổ phần, góp vốn của tổ chức tín dụng được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu tăng vốn vốn của NHNN, hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Số lỗ lũy kế được hiểu là lũy tiến được cộng dồn và nối tiếp nhau, hay còn được hiểu là số lỗ được tổng hợp trước đó được đưa vào tính toán tiếp trong phần hạch toán tiếp theo. Ví dụ: số tiền lỗ của tháng 1 là 1 tỷ đồng, số lỗ của tháng 2 là 500 triệu đồng, như vậy, tổng số tiền lỗ tính đến tháng 2 là 1,5 tỷ đồng. Số lỗ phải được khắc phục trong các tháng tiếp theo. Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Lúc này, NHNN với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay mặt tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nhằm ổn định tình hình trước mắt của tổ chức tín dụng, tránh gây thiệt hại nặng nề cho các chủ thể khác. Việc góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư