Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty TNHH hai thành viên?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:53 (GMT+7)

Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải là pháp nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 88 của LTCTD

1.Căn cứ pháp lý

Thành viên góp vốn là chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty TNHH hai thành viên. Để phân biệt với các cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần và chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty TNHH một thành viên, pháp luật đã quy định về thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty TNHH hai thành viên tại khoản 1 Điều 70 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017, cụ thể như sau:

Điều 70. Thành viên góp vốn, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên góp vốn
1. Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải là pháp nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 88 của Luật này. Tổng số thành viên không được vượt quá 05 thành viên. Tỷ lệ sở hữu tối đa của một thành viên và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng”

2.Nội dung

Tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là công ty có ít nhất hai thành viên tham gia góp vốn. Công ty TNHH hai thành viên trở lên có cấu trúc vốn “đóng”. Tức vốn điều lệ của công ty không nhất thiết phải chia thành những phần có giá trị bằng nhau và không được thể hiện dưới hình thức cổ phần. Việc chuyển nhượng vốn của thành viên cho người không phải là thành viên tổ chức tín dụng bị hạn chế bởi quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng của các thành viên còn lại trong công ty. Tính chất này cho phép các thành viên có thể ngăn chặn sự thâm nhập của người bên ngoài vào tổ chức tín dụng bằng cách cùng nhau mua hết phần của thành viên muốn chuyển nhượng vốn. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào tổ chức. Với đặc điểm, tính chất của công ty TNHH hai thành viên mà pháp luật có quy định riêng về thành viên góp vốn cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đó. Theo đó, thành viên của tổ chức tín dụng là công ty TNHH hai thành viên có các đặc điểm sau:
-Về thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn thành lập tổ chức tín dụng TNHH hai thành viên phải là pháp nhân. Trừ trường hợp tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, thành viên góp vốn của tổ chức tài chính vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm tổ chức trong nước, cá nhân trong nước, ngân hàng nước ngoài.
-Về số lượng thành viên. Số lượng thành viên tối thiểu là 02 thành viên, tối đa là 05 thành viên. 
-Về tỷ lệ sở hữu vốn góp. Tỷ lệ sở hữu tối đa của một thành viên và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp: Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại; Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại; Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại; Cá nhân với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người này; Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân theo quy định tại điểm d khoản này của người quản lý, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại; Cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này với tổ chức, cá nhân ủy quyền; các cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau. Pháp luật quy định như vậy để tránh trường hợp những người có liên quan cùng nhau chi phối tổ chức tín dụng, vu lợi cho một nhóm chủ thể riêng mà quên mất lợi ích chung của tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho các thành viên góp vốn khác. 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư