Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:51 (GMT+7)

Ban kiểm soát của một công ty là bộ phận có nhiệm vụ giúp các thành viên tổ chức tín dụng kiểm soát hoạt động quản trị và quản lý điều hành công ty...

1.Căn cứ pháp lý

Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng có chức năng giống như cơ quan tư pháp trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, giúp các chủ sở hữu kiểm soát các hoạt động quản trị và điều hành tổ chức tín dụng. Do đó, thành viên Ban kiểm soát phải là những chủ thể có năng lực, trình độ và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Theo đó, khoản 3 Điều 50 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Ban kiểm soát như sau:

Điều 50. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng
3. Thành viên Ban kiểm soát phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này;
b) Có đạo đức nghề nghiệp;
c) Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán; có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán hoặc kiểm toán; nhiệm.
d) Không phải là người có liên quan của người quản lý tổ chức tín dụng;
đ) Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm”

2.Nội dung

Ban kiểm soát của một công ty là bộ phận có nhiệm vụ giúp các thành viên tổ chức tín dụng kiểm soát hoạt động quản trị và quản lý điều hành công ty. Ban kiểm soát có vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng. Có thể hiểu, Ban kiểm soát là cơ quan thực hiện công việc kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. Số lượng thành viên tối thiểu của Ban kiểm soát theo luật định là 03 thành viên, theo đó, các thành viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Không thuộc đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật. LTCTD quy định các trường hợp một chủ thể không được đảm  nhiệm chức vụ là thành viên Ban kiểm soát. Họ là những người không đủ điều kiện về năng lực chủ thể, không đảm bảo năng lực, trình độ, tính minh bạch khi đảm nhiệm chức vụ….Cụ thể:
1. Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
2. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án;
3. Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên;
4. Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xoá án tích;
5. Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;
6. Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;
7. Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
8. Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng giám đốc (Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng;
9. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, bị buộc giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trừ trường hợp là đại diện theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấn chỉnh, củng cố doanh nghiệp đó;
10. Người đã từng bị đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng theo quy định LTCTD hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xác định người đó có vi phạm dẫn đến việc tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;
11. Người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được là thành viên Ban kiểm soát của cùng tổ chức tín dụng.
-Có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức là một khái niệm rộng, khó có thể định nghĩa một cách rõ ràng và cụ thể. Trong quan hệ nghề nghiệp, đạo đức là một phạm trù quan trọng quyết định đến ý thức, giá trị của mỗi chủ thể. Về cơ bản, đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc chi phối hành vi của một người hoặc một nhóm người trong tổ chức kinh doanh. Đạo đức nghề nghiệp thể hiện ở hành vi của người giữ chức vụ trong tổ chức tín dụng, thông quan qua tác phong làm việc của họ. Ví dụ: trách nhiệm của họ đối với công việc, có hoàn thành công việc đầy đủ, đúng hạn không; họ có lạm dụng chức vụ để vụ lợi cá nhân không; họ có công bằng,  phân minh trong công việc không…Theo đó, người không có đạo đức nghề nghiệp là người không có khả năng, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân khác trong tổ chức, thậm chí là gây thiệt hại cho chính tổ chức tín dụng đó. Chính vì vậy, không chỉ riêng yêu cầu đối với thành viên Ban kiểm soát phải có đạo đức nghề nghiệp, mà hầu hết các vị trí khác trong tổ chức tín dụng và cả các doanh nghiệp khác đều đề cao tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của một người.
-Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán. Bằng đại học là căn cứ chứng minh năng lực của chủ thể khi thực hiện một công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Ban kiểm soát là cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá hầu hết mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, như: kiểm tra quá trình thực thi quy định pháp luật, Điều lệ công ty của các thành viên, cá nhân có chức vụ trong tổ chức; đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh; kiến nghị các phương án khắc phục thiếu sót…Vì vậy, đòi hỏi thành viên Ban kiểm soát là chủ thể trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ đó phải có trình độ chuyên môn nhất định.  Bên cạnh đó, kinh nghiệm đối với thành viên Ban kiểm soát cũng là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm, ảnh hưởng đến nền tài chính- tiền tệ của quốc gia, quyết định đến các lĩnh vực kinh doanh khác. Ban kiểm soát có vai trò quan trọng trong việc quyết định đến sự tồn tại, hoạt động ổn định, an toàn của tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển bền vững. Do đó, yêu cầu đối với thành viên Ban kiểm soát của tổ chức phải là người có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, cụ thể: các thành viên Ban kiểm soát phải có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán hoặc kiểm toán; nhiệm.
-Không phải là người có liên quan của người quản lý tổ chức tín dụng. Pháp luật về tổ chức tín dụng quy định người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức cá nhân khác. Trong trường hợp này, thành viên Ban kiểm soát không phải không thuộc các trường hợp: là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người quản lý tổ chức tín dụng; người được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 28 Điều 4 LTCTD năm 2010 sửa đổi năm 2017. Bản chất của việc tổ chức Ban kiểm soát là thực hiện công tác kiểm soát nội bộ, ngăn chặn, hạn chế trường hợp lạm dụng chức vụ, bưng bít thông tin, nhằm thu lợi cho cá nhân hoặc nhóm cá nhân, mà bỏ qua lợi ích chung của tổ chức. Hay nói cách khác, Ban kiểm soát là bộ phận mà chủ sở hữu sử dụng để bảo vệ lợi ích của mình. Do đó, những kết quả điều tra, đánh giá, phân tích của Ban kiểm soát phải phản ánh đúng thực trạng của tổ chức tín dụng, khách quan, công minh. Việc có mối liên hệ với người quản lý công ty không tránh khỏi việc thành viên Ban kiểm soát bị chi phối bởi nhiều yếu tổ khác nhau, dẫn đến công tác kiểm soát không còn trung thực, phù hợp, gây tổn thất cho tổ chức tín dụng.
-Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm. Có thể hiểu thành viên Ban kiểm soát chuyên trách là người được bầu để giữ chức vụ theo nhiệm kỳ, được xác định bởi chức danh cụ thể, rõ ràng và chịu trách nhiệm với công việc của mình. Công việc kiểm soát là thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình hoạt động của tổ chức tín dụng. Việc cá nhân là thành viên Ban kiểm soát không cư trú tại Việt Nam dễ dẫn đến tình trạng công việc bị trì trệ, không đảm bảo chất lượng. Theo đó, pháp luật bắt buộc phải cư trú ở Việt Nam trong thời hạn đương nhiệm đối với thành viên Ban kiểm soát.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư