2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tổng giám đốc (Giám đốc) là người điều hành, quản lý tổ chức tín dụng. Tổng giám đốc (Giám đốc) là người điều hành cao nhất của tổ chức tín dụng, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Với vai trò quan trọng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, pháp luật yêu cầu người giữ chức vụ Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Cụ thể, khoản 4 Điều 50 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2015 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng như sau:
“Điều 50. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng
4. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này;
b) Có đạo đức nghề nghiệp;
c) Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật;
d) Có ít nhất 05 năm là người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;
đ) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm”
Tổng giám đốc (Giám đốc) là cá nhân được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên bổ nhiệm một trong số các thành viên của mình, hoặc được chủ sở hữu tổ chức tín dụng trách nhiệm hữu hạn một thành viên bổ nhiệm, hoặc được thuê từ bên ngoài. Theo đó, Tổng giám đốc (Giám đốc) là người có vai trò trong hoạt động kinh doanh hằng ngày của tổ chức tín dụng; thiết lập, duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ, ban hành theo thẩm quyền quy chế, quy định nội bộ, quy trình, thủ tục tác nghiệp để vận hành hệ thống điều hành kinh doanh, hệ thống thông tin báo cáo; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; ký kết hợp đồng nhân danh tổ chức tín dụng…Nhìn chung, Tổng giám đốc (Giám đốc) có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, và điều hành hoạt động nội bộ của tổ chức tín dụng. Để đảm bảo cho hoạt động hiệu quả, an toàn, ổn định của tổ chức tín dụng, pháp luật đã đặt ra những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định đối với cá nhân đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (Giám đốc), cụ thể:
-Không thuộc đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật. LTCTD quy định các trường hợp một chủ thể không được đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (Giám đốc). Họ là những người không đủ điều kiện về năng lực chủ thể, không đảm bảo năng lực, trình độ, tính minh bạch khi đảm nhiệm chức vụ….Cụ thể:
1. Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
2. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án;
3. Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên;
4. Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xoá án tích;
5. Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;
6. Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;
7. Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
8. Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng giám đốc (Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng;
9. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, bị buộc giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trừ trường hợp là đại diện theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấn chỉnh, củng cố doanh nghiệp đó;
10. Người đã từng bị đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng theo quy định LTCTD hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xác định người đó có vi phạm dẫn đến việc tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;
11. Người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được là Tổng giám đốc (Giám đốc) của cùng tổ chức tín dụng
-Có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức là một khái niệm rộng, khó có thể định nghĩa một cách rõ ràng và cụ thể. Trong quan hệ nghề nghiệp, đạo đức là một phạm trù quan trọng quyết định đến ý thức, giá trị của mỗi chủ thể. Về cơ bản, đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc chi phối hành vi của một người hoặc một nhóm người trong tổ chức kinh doanh. Đạo đức nghề nghiệp thể hiện ở hành vi của người giữ chức vụ trong tổ chức tín dụng, thông quan qua tác phong làm việc của họ. Ví dụ: trách nhiệm của họ đối với công việc, có hoàn thành công việc đầy đủ, đúng hạn không; họ có lạm dụng chức vụ để vụ lợi cá nhân không; họ có công bằng, phân minh trong công việc không…Theo đó, người không có đạo đức nghề nghiệp là người không có khả năng, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân khác trong tổ chức, thậm chí là gây thiệt hại cho chính tổ chức tín dụng đó. Chính vì vậy, không chỉ riêng yêu cầu đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) phải có đạo đức nghề nghiệp, mà hầu hết các vị trí khác trong tổ chức tín dụng và cả các doanh nghiệp khác đều đề cao tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của một người.
- Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật. Bằng đại học là căn cứ chứng minh năng lực của chủ thể khi thực hiện một công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Tổng giám đốc (Giám đốc) là người thực hiện các chiến lược, phương án kinh doanh của tổ chưc tín dụng, điều đó ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được của tổ chức. Họ thực hiện nhiệm vụ bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự, lao động trong phạm vi thẩm quyền của mình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Tổng giám đốc (Giám đốc) phải có trình độ ở một mức độ tối thiểu, đủ năng lực để nhận biết, phân tích, đánh giá các phương án, chiến lực, kế hoạch cụ thể. Một tổ chức lớn mạnh là nhờ có sự đóng góp của các phòng ban, bộ phận, mà Tổng giám đốc (Giám đốc) là người trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ cho từng nhóm nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì những lẽ đó mà pháp luật yêu cầu người giữ chức vụ Tổng giám đốc (Giám đốc) phải là người có trình độ chuyên môn cao, năng lực để vận hành, quản lý tổ chức.
-Bên cạnh đó, kinh nghiệm đối với Tổng giám đốc cũng là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm, ảnh hưởng đến nền tài chính- tiền tệ của quốc gia, quyết định đến các lĩnh vực kinh doanh khác. Phương án kinh doanh không hiệu quả, chiến lược phát triển không phù hợp, vận hành tổ chức đi sai hướng…là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng, thậm chí là phá sản. Đối với hoạt động ngân hàng mà nói, một tổ chức tín dụng phá sản sẽ kéo theo sự chao đảo của cả hệ thống tín tín dụng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Vì vậy, người được chọn là người quản lý, điều hành tổ chức phải là người có năng lực thực tế, tức không dừng lại ở vấn đề bằng cấp mà người giữ chức vụ Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng còn phải có kinh nghiệm thực tế. Theo đó, pháp luật yêu cầu họ phải có ít nhất 05 năm là người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.
-Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm. Công việc của Tổng giám đốc (Giám đốc) diễn ra thường xuyên, liên tục, vì thế, người giữ chức vụ này phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh