Quy định về đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ

Thứ sáu, 17/03/2023, 15:56:59 (GMT+7)

Trong thời gian qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu sản phẩm thô, lao động nhân công giá rẻ, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đạt được những thành tựu này, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước không thể không kể để nguồn lực đầu tư tư nhân đến từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nhằm khuyến khích, đẩy mạnh những nguồn lực đầu tư này, Luật Khoa học và công nghệ cũng đã có những quy định cụ thể về đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ. Bải viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về vấn đề này.

Hoạt động khoa học và công nghệ là gì?

Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

Nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ

Nguyên tắc nói chung là hệ thống các quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải tuân theo. Theo đó nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ là hệ các quan điểm trong trong hoạt động khoa học và công nghệ mà các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo. Điều 5 Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm:

- Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ.

- Xây dựng và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

- Bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.

- Trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ

Điều 55 Luật khoa học và công nghệ 2013 quy định về huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ như sau:

 - Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ.

- Tổ chức, cá nhân được thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật này.

- Tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi sau đây:

+ Được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật;

+ Được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu mạnh hoạt động đầu tư cho khoa học và công nghệ để từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm Điều 56 Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định như sau:

- Doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

- Kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét hỗ trợ, cho vay và được hưởng ưu đãi khác theo quy định của Luật này.

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Điều 57 Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như sau:

- Doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn.

- Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại ngân hàng.

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là gì?

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Điều kiện đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Khoản 2 Điều 58 Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

- Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

- Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

Các ưu đãi đối với doafnh nghiêp khoa học và công nghệ

- Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

+ Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

+ Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

+ Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

+ Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

+ Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ và mục 2 Công văn 1048/BKHCN-PTTTDN quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ như sau:

 Căn cứ Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN gồm có:

- Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

- Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định.

Doanh nghiệp thuộc một trong hai trường hợp:

+ Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.

+ Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

+ Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

+ Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ như sau:

- Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Nghị định này. Hồ sơ được nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.

- Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bao gồm:

+ Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:

Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

 Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;

 Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;

Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;

Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.

+ Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư