Có bao nhiêu loại văn bản quy phạm pháp luật?

Thứ ba, 17/09/2024, 18:14:59 (GMT+7)

Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh trình bày về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có vị trí quan trọng, diễn ra thường xuyên trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các chủ thể ban hành VBQPPL nhằm thực hiện hoạt động quản lý một cách có hiệu quả nhất. Văn bản pháp luật là phương tiện chủ yếu để ghi lại và truyền đạt các quyết định quản lý nên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động quản lý của của các cơ quan nhà nước.

Vậy Nhà nước ta có những VBQPPL nào? Hãy GỌI NGAY cho chúng tôi qua số điện thoại 0908308123 để được Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí hoặc tìm hiểu các thông tin pháp lý cần thiết thông qua bài viết dưới đây.


Khái niệm VBQPPL

Khoản 1 Điều 3 Luật ban hành VBQPPL năm 2015 giải thích về quy quạm pháp luật như sau:

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Điều 2 Luật ban hành VBQPPL năm 2015 quy định như sau:

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành VBQPPL năm 2015 thì không phải là VBQPPL.

Theo quy định trên, ta thấy văn bản pháp luật là hình thức thể hiện ý chí của Nhà nước, được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định, luôn mang tính bắt buộc và được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước.


Hệ thống VBQPPL

Theo Điều 4 Luật ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi 2020), hệ thống VBQPPL gồm:

1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hiến pháp

Hiến pháp là hình thức VBQPPL do Quốc hội ban hành, có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định các vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước như: hình thức và bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiến pháp được sử dụng rộng rãi ở tất cả các nước với nghĩa là luật cơ bản của một nhà nước.

Hiến pháp là cơ sở để xây dựng các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, được cụ thể hóa, chi tiết hóa bằng các văn bản pháp quy. Mọi văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phải phù hợp với Hiến pháp.

Bộ luật và luật

Bộ luật và luật đều là VBQPPL do Quốc hội ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp nhằm điều chỉnh các loại quan hệ xã hội trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Các bộ luật và luật này đều có giá trị pháp lí cao (chỉ sau Hiến pháp) và có phạm vi tác động rộng lớn đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bộ luật và luật khác nhau ở điểm sau:

Luật là các nguyên tắc Nhà nước quy định, là những quy chuẩn đạo đức tôn giáo hoặc những khuôn phép tập quán địa phương dựa vào ý chí của giai cấp thống trị hoặc quyền lợi của các tầng lớp xã hội cho phép hoặc cấm đoán những hành vi liên quan đến các mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các tổ chức với nhau, cũng như việc trừng phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc làm trái các quy định mà luật đặt ra. Theo đó, luật là một VBQPPL do Quốc hội ban hành nhưng điều chỉnh ở phạm vi hẹp, chỉ trong một lĩnh vực hoạt động, một ngành hoặc một giới. Ví dụ: Luật đất đai, Luật thuế, Luật xây dựng,...

Bộ luật là cũng một VBQPPL do Quốc hội ban hành nhưng nhằm điều chỉnh bao quát và rộng hơn luật. Bộ luật tác động rộng rãi đến các quan hệ xã hội, nội dung bao hàm và liên quan nhiều lĩnh vực trong xã hội. Bên cạnh đó, bộ luật được dẫn chiếu và điều chỉnh các vấn đề mà nội dung của nó không được quy định ở những luật (chuyên ngành) khác và các dẫn chiếu điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia kí kết. Ví dụ: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự,...

Như vậy, điểm chính để phân biệt giữa luật và bộ luật chính là phạm vi điều chỉnh của các quy định, nếu điều chỉnh phạm vi rộng, bao quát, nhiều lĩnh vực thì được xem là bộ luật, còn điều chỉnh trong phạm vi 1 lĩnh vực chuyên, hẹp hơn thì được xem là luật.

Nghị quyết

Nghị quyết là hình thức văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc, thông qua bằng biểu quyết theo đa số, biểu thị ý kiến hay ý định của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định.

Hiến pháp đã quy định nghị quyết là hình thức văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân các cấp.

Pháp lệnh

Pháp lệnh hay còn được gọi là VBQPPL do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Quy định những vấn đề mà Quốc hội giao. Trong đó, quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự chung, mang tính chất (hiệu lực) bắt buộc chung. Được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định.

Nghị quyết liên tịch

Nghị quyết liên tịch gồm: nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lệnh

Lệnh là VBQPPL do Chủ tịch nước ban hành. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Lệnh tổng động viên, lệnh để công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Quyết định

Quyết định là hình thức văn bản pháp luật bao gồm cả VBQPPL và văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Quyết định được dùng để ban hành các biện pháp, thể lệ cụ thể nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Quyết định là văn bản áp dụng pháp luật thường gọi là văn bản cá biệt do cơ quan và cá nhân có thẩm quyền ban hành để giải quyết công việc hàng ngày của mình. Theo pháp luật, quyết định là hình thức văn bản của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Nghị định

Nghị định là một loại VBQPPL của Chính phủ, chủ yếu được Chính phủ sử dụng với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Nghị định dùng để quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ thành lập…

Thông tư

Thông tư là hình thức VBQPPL do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để hướng dẫn thực hiện VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thông tư liên tịch

Thông tư liên tịch là thông tư do các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc giữa các cơ quan đó với tổ chức chính trị - xã hội phối hợp ban hành.

Thông tư liên tịch là hình thức văn bản giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không được ban hành thông tư liên tịch (sửa đổi năm 2020).

VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành quyết định.


Đăng Công báo VBQPPL

1. VBQPPL của các cơ quan ở Trung ương phải được đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

2. VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải được đăng Công báo cấp tỉnh.

3. VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Thời gian và địa điểm niêm yết công khai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo hoặc niêm yết công khai.

Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn VBQPPL trên Công báo chậm nhất là 15 ngày đối với VBQPPL do các cơ quan trung ương ban hành, 07 ngày đối với VBQPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành kể từ ngày nhận được văn bản.

5. VBQPPL đăng trên Công báo in và Công báo điện tử là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc.


Thời điểm có hiệu lực của VBQPPL

1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn:

- 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với VBQPPL của cơ quan nhà nước trung ương;

- 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

2. VBQPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.


Hiệu lực trở về trước của VBQPPL

Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, VBQPPL của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp: Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.


VBQPPL hết hiệu lực

VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản.

2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng VBQPPL mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.

3. Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.


Áp dụng VBQPPL

1. VBQPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. VBQPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của VBQPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

2. Trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3. Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau.

4. Trong trường hợp VBQPPL mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

5. Việc áp dụng VBQPPL trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp VBQPPL trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.


Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi 2020).

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư