2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Viện kiểm sát nhân dân là một thiết chế độc lập trong bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đây là những chức năng cơ bản và quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về mỗi quan hệ giữa chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.
Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là hai chức năng Hiến định của Viện kiểm sát nhân dân. Mối quan hệ giữa hai chức năng này chủ yếu được thể hiện thông qua hoạt động tố tụng hình sự. Mối quan hệ đó được cụ thể bằng các nội dung sau đây:
Thứ nhất, sự tác động của chức năng thực hành quyền công tố đến chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Hoạt động thực hành quyền công tố với các biện pháp như xác minh, điều tra, yêu cầu điều tra, phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng khác của cơ quan điều tra, tiến hành các hoạt động điều tra và tố tụng tại phiên tòa… đồng thời cũng là phương tiện để thực hiện có hiệu quả chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát đối với các cơ quan tư pháp khác. Để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố một cách tốt nhất, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đòi hỏi phải kiểm tra chặt chẽ tính có căn cứ và tính hợp pháp của các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự mà cơ quan điều tra quyết định áp dụng, hoạt động kiểm tra này chính là thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trên cơ sở kết quả của hoạt động kiểm sát thấy ràng, quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự có căn cứ và hợp pháp thì Viện kiểm sát sẽ quyết định phê chuẩn để thi hành, ngược lại nếu xét thấy quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự của cơ quan điều tra không có căn cứ và không hợp pháp, Viện kiểm sát sẽ quyết định không phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định tố tụng trái pháp luật của cơ quan điều tra, đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra chấm dứt ngay các hoạt động tố tụng. Như vậy, trong giai đoạn điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát được thực hiện cũng sẽ làm tiền đề phát sinh hoạt động kiểm sát.
Thứ hai, sự tác động trở lại của chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp đối với chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân. Việc thực hiện công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo các hoạt động tư pháp diễn ra đúng pháp luật sẽ làm tiền đề, căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát thực hành quyền công tố một cách chính xác. Những vi phạm pháp luật phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh cũng là thúc đẩy, thực hiện tốt hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Nếu có sai sót, vi phạm trong việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra sẽ kéo theo sự vi phạm pháp luật của hoạt động thực hành quyền công tố.
Như vậy, nếu Viện kiểm sát thực hiện không tốt hoạt động kiểm sát điều tra có thể dẫn đến việc truy tố oan sai. Do đó, hoạt động kiểm sát trong quà trình điều tra là cơ sở vững chắc cho hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố, xét xử.
Thứ ba, mối quan hệ giữa chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp còn được thể hiện và bảo đảm bằng quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan Nhà nước khác do pháp luật quy định. Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có kiểm sát hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, Viện kiểm sát cũng phải chịu sự kiểm soát lại từ phía Cơ quan điều tra và Tòa án. Cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp giữa Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra và Tòa án đã tồn tại trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các thông tư liên tịch về mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an trong việc thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, theo các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án. Điều 8 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định: “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án, Thanh tra, Kiểm toán, các cơ quan nhà nước khác, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để phòng, chống tội phạm có hiệu quả; xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu tội phạm và vi phạm pháp luật”.
Ngược lại, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát cũng chịu sự kiểm soát từ phía các cơ quan khác, đặc biệt là chịu sự kiểm soát từ phía Tòa án khi Tòa án thực hiện nhiệm vụ xét xử. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định “khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định của Viện kiểm sát không có căn cứ, trái pháp luật, thìCơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và Cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân xem xét lại”.
Như vậy, những quy định trên phù hợp các quy định của Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà ở đó quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Những quy định trên không làm triệt tiêu, mất đi hay giảm đi chức năng của Viện kiểm sát, cũng như sự can thiệp, chi phối, kiểm soát của các cơ quan có liên quan không gây khó khăn, ảnh hưởng đến chức năng của Viện kiểm sát, mà ngược lại càng làm tăng thêm tính khách quan, đảm bảo, củng cố cho hoạt động thực hiện chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân được đúng đắn và hiệu quả hơn.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh