Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như thế nào?

Thứ tư, 08/02/2023, 09:44:01 (GMT+7)

Chính quyền địa phương ở Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước, thực hiện các chức năng quản lý và quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước. Để đảm bảo hệ thống chính quyền địa phương hoạt động một cách thống nhất, hiệu quả pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Vậy nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương được quy định như thế nào? Hãy gọi ngay cho Luật sư để được tư vấn hoặc tham khảo qua nội dung bài viết dưới đây.

 

 

Chính quyền địa phương là gì?

Điều 111 Hiến pháp 2013 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Ở Việt Nam, chính quyền địa phương là một khái niệm chưa được pháp lý hóa và thường được hiểu gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền đại phương ở Việt Nam được coi là chính quyền “cấp dưới” của Chính quyền trung ương, là bộ phận cấu thành có vị trí quan trọng của bộ máy nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương mf ở cấp trung ương là Quốc hội và Chính phủ, là hình thức pháp lý thông qua đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở địa phương.

Về nguyên tắc, các cơ quan chính quyền địa phương phải do nhân dân trực tiếp bầu ra hoặc được thành lập trên cơ sở của các cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương theo quy định.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là gì?

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là những tư tưởng, quan điểm làm nền tảng, chi phối việc tổ chức, thiết kế mô hình và quá trình vận hành của chính quyền địa phương; bảo đảm chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật ở các đơn vị hành chính, lãnh thổ.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bao gồm những nguyên tắc nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như sau:

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.

3. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

4. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.”

Cụ thể:

Thứ nhất, nguyên tắc Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật giúp  đảm bảo việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không tiến hành một cách tuỳ tiện, độc đoán theo ý chí cá nhân của người cầm quyền mà phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương vừa phải bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp trên với cấp dưới và vừa phải mở rộng dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của cấp dưới; phải coi trọng vai trò của tập thể và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo; phát huy tính năng động, sáng tạo của cấp dưới và đảm bảo sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp trên; quyết định thuộc về số đông nhưng phải lắng nghe ý kiến của thiểu số. Đây là nguyên tắc đặc thù trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, một mặt luôn coi trọng mở rộng dân chủ, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, lãnh đạo tập trung. Chính vì vậy, trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa nói riêng cũng như hoạt động của xã hội nói chung đều luôn coi trọng nguyên tắc này.

Thứ hai, nguyên tắc hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.

Ở nước ta quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước. Bởi vậy Nhân dân là người chủ tối cao của đất nước, là người thành lập ra nhà nước, trao quyền cho nhà nước và kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước. Nhân dân có quyền quyết định tối cao các vấn đề quan trọng của đất nước, nhà nước phải phục tùng các quyết định của nhân dân. Bên cạnh đó, Nhân dân cũng có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung hay chính quyền địa phương nói riêng. Nguyên tắc này đặt ra cũng giúp tăng cường sự chủ động, minh bạch, trách nhiệm giải trình và năng lực giải quyết các công việc của các cơ quan chính quyền địa phương.

Thứ ba, nguyên tắc Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

Hội đồng nhân dân là một mắt khâu quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước, vừa là chủ thể quyền lực đại diện cho nhân dân địa phương, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng và vừa có quyền giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội ở địa phương. Bời vậy nguyên tắc làm việc theo chế độ hội nghị sẽ giúp quán triệt, tổ chức triển khai những chủ trương, chính sách lớn, quan trọng và cấp bách của Đảng và nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý được phân công; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết chuyên đề; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá chương trình công tác hàng năm. Từ đó giúp tăng cường sự phát triển kinh tế, xã hội, đưa ra những chính sahsc đúng đắn cho việc phát triển, phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương.

Thứ tư, nguyên tắc Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Với vị trị vai trò hết sức quan trọng của UBND ở địa phương, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đảm bảo việc quyết định các vấn đề thông qua cơ chế thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; người đứng đầu có trách nhiệm đề xuất, chủ trì và có một số quyền ưu tiên. Điều này để đảm bảo khi tập thể lãnh đạo nhưng đã đưa ra những chủ trương, quyết định sai lầm thì bên cạnh truy cứu trách nhiệm của cá nhân, cũng cần xem xét đầy đủ trách nhiệm của tập thể và có biện pháp xử lý sai sót, sai phạm của tập thể.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư