2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Ban soạn thảo gồm Trưởng ban là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và thành viên khác là đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Đối với Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình thì thành phần Ban soạn thảo phải có các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Ban soạn thảo phải có ít nhất là chín người. Thành viên Ban soạn thảo là chuyên gia, nhà khoa học phải là người am hiểu các vấn đề chuyên môn liên quan đến dự án, dự thảo và có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban soạn thảo. Vậy nhiệm vụ của Ban soạn thảo và các thành viên của ban soạn thảo được quy định như thế nào? Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này.
Điều 54 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định như sau:
“Điều 54. Nhiệm vụ của Ban soạn thảo, Trưởng Ban soạn thảo, thành viên Ban soạn thảo
1. Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.
2. Ban soạn thảo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Xem xét, thông qua đề cương chi tiết dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết;
b) Thảo luận về nội dung của dự thảo văn bản, tờ trình, nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Bảo đảm các quy định của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của văn bản.
3. Trưởng Ban soạn thảo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Thành lập Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo và chỉ đạo Tổ biên tập biên soạn và chỉnh lý dự thảo văn bản;
b) Tổ chức các cuộc họp và các hoạt động khác của Ban soạn thảo;
c) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban soạn thảo.
4. Thành viên Ban soạn thảo có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban soạn thảo, chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của các nội dung được phân công trong dự thảo văn bản và tiến độ xây dựng dự thảo văn bản; trường hợp vì lý do khách quan mà không tham dự được thì phải có ý kiến góp ý bằng văn bản.”
Trong qua trình soạn thảo văn bản, Ban soạn thảo có những nhiệm vụ sau:
Trên cơ sở những kết quả đạt được thông qua hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thu thập thông tin tài liệu, Ban soạn thảo tiến hành xây dựng dự kiến đề cương chi tiết dự thảo văn bản. Xây dựng dự kiến đề cương chi tiết dự thảo văn bản là công đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với kết cấu và nội dung của văn bản. Trong công đoạn này, đề cương dự thảo chi tiết dự thảo được xây dựng theo hai bước: đề cương sơ lược và đề cương chi tiết.
Đề cương sơ lược, đề cương chi tiết có thể được giao cho một hoặc một nhóm chuyên viên trong đơn vị chủ trì soạn thảo (nếu như không thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập) hoặc thành viên của Tổ biên tập chuẩn bị nhưng đề cương phải được Tổ biên tập, Ban soạn thảo, những người có liên quan tổ chức họp, cho ý kiến để hoàn thiện. Đề cương sơ lược sẽ là cơ sở nền tảng để xây dựng đề cương chi tiết.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng của công tác soạn thảo văn bản, trong quá trình xây dựng đề cương, ban soạn thảo sẽ có những báo cáo về diễn biến công việc và xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan, các cấp có thẩm quyền những vấn đề thuộc về quan điểm; xây dựng các nguyên tắc chỉ đạo cho việc soạn thảo, cũng như xác đinh rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Sau khi đề cương được cấp có thẩm quyền thông qua, Ban soạn thảo tiến hành tổ chức việc soạn thảo văn bản.
Quá trình soạn thảo văn bản là một quá trình cần tới sự vận dụng tối đa về trí tuệ, năng lực chuyên môn của tất cả các thành viên trong Ban soạn thảo nhằm đảm bảo chất lượng về mọi mặt của dự thảo văn bản. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Ban soạn thảo trong gian đoạn này là rất quan trọng, đòi hỏi phải tập trung vào những vấn đề cơ bản, cụ thể là: xem xét, thông qua đề cương dự thảo; thảo luận về chính sách cơ bản và những vấn đề thuộc nội dung dự thảo; thảo luận về dự thảo văn bản; tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân,…
Để bảo đảm cho dự thảo văn bản phù hợp với đối tượng thi hành, pháp luật quy định các dự thảo văn bản phải được lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tùy theo nội dung dự thảo văn bản, pháp luật quy định cơ quan soạn thảo có thể tự mình quyết đinh việc lấy ý kiến hoặc bắt buộc phải lấy ý kiến những đối tượng nhất định. Ví dụ: Đối với dự thảo văn bản quy định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp thì cơ quan soạn thảo bắt buộc phải lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Trong trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc thì cơ quan soạn thảo có quyền quyết định việc lấy ý kiến và chọn đối tượng để lấy ý kiến. Tùy thuộc vào tính chất, nội dung, điều kiện thực tế, việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có thể được thực hiện bằng các hình thức: hội nghị, hội thảo; nghiên cứu, góp ý trực tiếp hoặc gửi thư tới Ban soạn thảo; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Dự thảo, tờ trình, nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến phải bảo đảm các quy định của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban soạn thảo tiến hành tổ chức nghiên cứu thông tin, chủ trương, chính sách của Đrang và tài liệu có liên quan đến dự thảo.
Dự thảo của Ban soạn thảo phải phù hợp với Hiến pháp, các nội dung quy định trong các dự thảo không được trái với các quy định cụ thể của Hiến pháp. Điều này được quy định tại Điều 119 Hiến pháp năm 2013: “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Các dự thảo phải đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất nghĩa là dự thảo cần phải bảo đảm tuân thủ thứ bậc lấy ký kiến và ban hành văn bản đối với các dự thảo của Ban soạn thảo.
Tính khả thi của văn bản nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung của văn bản với các điều kiện kinh tế - xã hội, vấn đề bình đẳng giới ở hiện tại. Xây dựng văn bản phải nắm bắt tình hình kinh tế xã hội, vấn đề bình đẳng, thủ tục hành chính để dự liệu những nội dung cần đưa vào văn bản, tránh những trường hợp ban hành văn bản nhưng không thể áp dụng vào cuộc sống.
Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy định về nhiệm vụ của Ban soạn thảo và của các thành viên trong Ban soạn thảo.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh