Hoạt động thi hành án hình sự có vai trò vai trò phát huy hiệu quả của các bản án, quyết định của toà án, giai đoạn thi hành án phải giải quyết tốt nhiệm vụ bảo đảm cho tất cả các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được đưa ra thi hành đầy đủ, nghiêm chỉnh, đúng thởi hạn luật định. Chính vì vậy, kiểm sát THAHS là khâu công tác cần được quan tâm, chú trọng để thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Để thực hiện kiểm sát việc thi hành án hình sự, pháp luật đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân. Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu về những nhiệm vụ, quyền hạn này qua bài viết sau.
Viện kiểm sát nhân dân là gì?
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kiểm sát hoạt động tư pháp là gì?
Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thi hành án hình sự là gì?
Thi hành án hình sự là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước nhằm đưa một bản án, một quyết định của Tòa án ra thi hành, là một cách để thực thi công lý, công bằng cho xã hội.
Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự. Theo quy định trên, đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của các chủ thể sau:
- Tòa án nhân dân: Đây là một chủ thể quan trọng trong hoạt động thi hành án hình sự, bởi lẽ rất nhiều quyết định pháp lý quan trọng trong thi hành án hình sự do Tòa án có thẩm quyền ban hành như: Quyết định đưa bản án ra thi hành án, hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời gian chấp hành hình phạt, xóa án tích v.v…
- Cơ quan thi hành án hình sự: Đây là một khái niệm chung để chỉ những cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định hình sự của Toà án.
- Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã); Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội). Ngoài ra, việc tuân theo pháp luật của chính các đương sự như người bị kết án cũng là đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án.
- Đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án hình sự còn thể hiện qua việc tuân thủ pháp luật trong và chỉ trong lĩnh vực thi hành các bản án và quyết định của Tòa án, đó là việc tuân thủ pháp luật trong việc thi hành các bản án tử hình, phạt tù, cải tạo không giam giữ, trục xuất; trong việc thi hành các bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo; các việc thi hành án cụ thể như việc ra quyết định thi hành án, việc thi hành các loại hình phạt cụ thể, việc xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt, cho hưởng thời hiệu thi hành án, hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, v.v…
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự
Khi kiểm sát thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành án hình sự; yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự;
- Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương;
- Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;
- Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia việc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp, rút ngắn thời gian thử thách;
- Kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thi hành án hình sự;
- Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt, khắc phục vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; xử lý nghiêm minh người vi phạm;
- Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.