2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Ngôn ngữ trong văn bản là phương tiện hàng đầu để thể hiện ý chí của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản đó. Thông qua ngôn ngữ, chủ thể ban hành văn bản thể hiện ý chí của mình và người đọc văn bản tiếp nhận, thực hiện những hành vi cần thiết, phù hợp với văn bản đã nhận được, đáp ứng yêu cầu của chủ thể ban hành.
Vì ngôn ngữ có vai trò quan trọng nên khi xây dựng văn bản pháp luật không thể không quan tâm tới vấn đề ngôn ngữ. Trình độ sử dụng ngôn ngữ của người ban hành soạn thảo văn bản ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới chất lượng của văn bản. Nhằm tạo ra những văn bản luật gọn gàng, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thi hành thi việc sử dụng ngôn ngữ trong quá trình xây dựng văn bản là yêu cầu rất quan trọng đối với người soạn thảo.
Hiểu một cách khái quát nhất, ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là hệ thống những từ được kết hợp theo quy tắc trong tiếng Việt, được Nhà nước sử dụng để thể hiện nội dung các văn bản pháp luật.
Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 53 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020) quy định ngôn ngữ và kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật như sau:
“Điều 8. Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật
1. Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.
2. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.
3. Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm; các phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong văn bản quy phạm pháp luật phải có tên. Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật này.”
Theo quy định trên, ta thấy văn bản quy phạm pháp luật phải được viết bằng tiếng Việt, phải tuân theo những quy tắc chung của tiếng Việt. Sử dụng tiếng Việt để soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ là yêu cầu mang tính pháp lý mà còn là vấn đề khoa học. Vì trong một quốc gia đa dân tộc mà mỗi dân tộc lại có ngôn ngữ riêng như ở Việt Nam thì tiếng Việt là tiếng được đa số người dân trên mọi miền đất nước biết đến. Tiếng Việt mang tính thông dụng, phổ biến vì được quy định là quốc ngữ và được đưa vào giảng dạy trong giáo dục. Văn bản quy phạm pháp luật được soản thảo bằng tiếng Việt thì mới có thể phổ biến tới nhiều người và cùng hiểu được nội dung của văn bản, nhờ đó hiệu quả thực hiện văn bản cũng cao hơn.
Điều 18 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/03/2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quy định về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản như sau:
“Điều 18. Sử dụng ngôn ngữ trong văn bản
1. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.
2. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế và phải được phiên âm sang tiếng Việt hoặc có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến.
3. Trong văn bản có từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì từ ngữ đó phải được giải thích.
4. Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên trong văn bản.
Đối với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, có thể quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản.
5. Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp từ ngữ được sử dụng có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích rõ nghĩa được sử dụng trong văn bản.
6. Từ ngữ chỉ nội dung giống nhau phải được sử dụng thống nhất trong toàn bộ văn bản.
7. Chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt và theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.”
Theo Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/03/2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, thể thức văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 phần: phần mở đầu văn bản, phần nội dung văn bản, phần kết thúc văn bản.
- Phần mở đầu bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật) gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; tên cơ quan ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; tên văn bản và căn cứ ban hành văn bản.
- Phần mở đầu nghị quyết của Quốc hội gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; tên cơ quan ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; tên văn bản; tên cơ quan ban hành văn bản và căn cứ ban hành văn bản.
- Phần mở đầu pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; tên cơ quan ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản; tên văn bản và căn cứ ban hành văn bản.
- Phần mở đầu nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; tên cơ quan ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản; tên văn bản; tên cơ quan ban hành văn bản và căn cứ ban hành văn bản.
- Phần mở đầu nghị quyết liên tịch trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một chủ thể ban hành (sau đây gọi là nghị quyết liên tịch) gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; tên các cơ quan cùng ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản; tên văn bản và căn cứ ban hành văn bản.
- Phần mở đầu lệnh, quyết định của Chủ tịch nước gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; hình Quốc huy; tên cơ quan ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản; tên văn bản; tên cơ quan ban hành văn bản và căn cứ ban hành văn bản.
- Phần mở đầu văn bản được ban hành kèm theo văn bản khác (quy chế, quy định) gồm có Quốc hiệu; Tiêu ngữ; tên cơ quan ban hành văn bản; tên văn bản và nội dung chú thích về việc ban hành văn bản kèm theo.
Tùy theo nội dung, văn bản có thể được bố cục như sau:
- Phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm;
- Phần, chương, mục, điều, khoản, điểm;
- Chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm;
- Chương, mục, điều, khoản, điểm;
- Chương, điều, khoản, điểm;
- Điều, khoản, điểm.
Mỗi điểm trong bố cục của văn bản chỉ được thể hiện một ý; không sử dụng các ký hiệu khác để thể hiện các ý trong một điểm. Phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong văn bản phải có tiêu đề. Tiêu đề là cụm từ chỉ nội dung chính của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
- Phần kết thúc luật, nghị quyết của Quốc hội gồm có thông tin về thời điểm Quốc hội thông qua, chức vụ, họ và tên người có thẩm quyền ký chứng thực và dấu của người có thẩm quyền ký chứng thực văn bản.
- Phần kết thúc pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có chức vụ, họ và tên người có thẩm quyền ký văn bản và dấu của cơ quan ban hành văn bản.
- Phần kết thúc nghị quyết liên tịch gồm có chức vụ, họ và tên người đứng đầu các cơ quan cùng ban hành văn bản, dấu của các cơ quan cùng ban hành văn bản và nơi nhận văn bản.
- Phần kết thúc lệnh của Chủ tịch nước gồm có chức vụ, họ và tên người có thẩm quyền ký văn bản và dấu của cơ quan ban hành văn bản.
- Phần kết thúc quyết định của Chủ tịch nước gồm có chức vụ, họ và tên người có thẩm quyền ký văn bản, dấu của cơ quan ban hành văn bản và nơi nhận văn bản.
- Phần kết thúc văn bản được ban hành kèm theo văn bản khác gồm có chức vụ, họ và tên người có thẩm quyền ký văn bản và dấu của cơ quan ban hành văn bản.
Theo Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/03/2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật gồm phần: kỹ thuật trình bày nội dung văn bản và kỹ thuật trình bày hình thức văn bản
Về kỹ thuật trình bày nội dung văn bản: pháp luật quy định về trình bày bố cục của văn bản; sử dụng ngôn ngữ trong văn bản; trình bày số, đơn vị đo lường, ký hiệu, công thức trong văn bản; trình bày thời hạn, thời điểm; trình bày các nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ tại chương hoặc điều quy định về điều khoản thi hành; trình bày quy định chuyển tiếp; trình bày quy định về hiệu lực thi hành; kỹ thuật viện dẫn văn bản; bố cục của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều; cách đánh số thứ tự của điều khoản bổ sung và trật tự các điều khoản của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều; bố cục của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản.
Về kỹ thuật trình bày hình thức văn bản: pháp luật quy định về trình bày Quốc hiệu, Tiêu ngữ; trình bày tên cơ quan ban hành văn bản, hình Quốc huy; trình bày số, ký hiệu của văn bản; trình bày tên văn bản; trình bày căn cứ ban hành văn bản; trình bày nội dung văn bản; trình bày thông tin về thời điểm Quốc hội thông qua luật, nghị quyết; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản; trình bày chức vụ, họ và tên của người có thẩm quyền ký văn bản; trình bày nơi nhận văn bản; khổ giấy, định lề trang văn bản, phông chữ, đánh số trang văn bản.
Trên đây, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy định về ngôn ngữ, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh