Quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:16 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được quy định như thế nào?

Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền hạn gì trong việc giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ Điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội quy định như sau:

"Điều 49. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc kiến nghị của đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

2. Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xây dựng dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh với tinh thần và nội dung quy định được giải thích của Hiến pháp, luật, pháp lệnh.”

Giải thích pháp luật là nhân tố không tách rời với việc đề cao vai trò của Hiến pháp và các đạo luật trong đời sống nhà nước và xã hội. Nhà nước ta đang vận động và phát triển theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thì việc giải thích pháp luật nhất định phải đổi mới và hoàn thiện một cách căn bản phù hợp với xu hướng chung. Do đó, không phải lập pháp hay hành pháp mà tư pháp mới là cơ quan hiểu rõ và gắn liền với nhu cầu giải thích pháp luật; là cơ quan giải thích pháp luật mang tính khách quan, trung thực và thiết thực nhất.

Quốc hội - với tư cách là một cơ quan lập pháp - có quyền sửa đổi các đạo luật đã được Quốc hội ban hành ra, theo một trình tự nhất định. Khi đạo luật đã được sửa đổi các cơ quan áp dụng phải theo tinh thần của đạo luật mới chứ không phải đạo luật cũ. Đó là quyền lập pháp chứ không phải là quyền giải thích. Như vậy, quyền làm luật là một chuyện, còn quyền giải thích nó để áp dụng, lại là một chuyện khác và không nên nhầm lẫn. Việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số thẩm quyền về lập pháp, như ban hành pháp lệnh, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh không làm mất đi tính tập trung quyền lực nhà nước vào Quốc hội vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không là cơ quan nào khác mà chính là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội nước ta là hoạt động không thường xuyên. Thực tế, để đáp ứng yêu cầu của việc áp dụng pháp luật cần phải được tiến hành kịp thời, chính xác và thỏa đáng, thì việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh theo yêu cầu của cơ quan kiến nghị là hoạt động mang tính chất cấp bách và không có kế hoạch trước, nếu phải chờ đến kỳ họp của Quốc hội mới giải quyết thì không đáp ứng được yêu cầu kịp thời.

Việc giải thích phải được áp dụng trong thực tế mới có ý nghĩa, nếu giải thích mà không áp dụng, thì việc giải thích không có ý nghĩa. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một văn bản luật nào đó, tức là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện quyền làm pháp lệnh của mình để thay thế cho một pháp lệnh trước đó. Giải thích điều luật phải gắn với một trường hợp cụ thể, tức là phải gắn với hoạt động xét xử một vụ việc cụ thể, và có thể được áp dụng cho những trường hợp tương tự sau này.

Khi nhận được đề nghị giải thích, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường giao một cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị quyết giải thích, giao Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết giải thích. Với trình tự như vậy, văn bản giải thích của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các đặc điểm sau đây:

  • Không bị giới hạn những vấn đề cần giải thích;
  • Có giá trị bắt buộc thi hành đối với mọi cơ quan, tổ chức và công dân;
  • Duy nhất có hiệu lực pháp luật so với các văn bản giải thích khác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã các quy định về quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư