2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Quyền quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định như thế nào?
Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền hạn gì trong việc quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Căn cứ Điều 57 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định như sau:
1. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh hoặc của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Khi không còn tình trạng khẩn cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.”
1. Quyết định tình trạng chiến tranh:
Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế.
Khi Tổ quốc bị xâm lược, Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Khi hành vi xâm lược được chấm dứt trên thực tế, Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng chiến tranh.
Trình tự tuyên bố tình trạnh chiến tranh của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Khoản 1 Điều 60 Nghị quyết Ban hành quy chế là việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội 2015 như sau:
“Điều 60. Tuyên bố tình trạng chiến tranh
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được theo trình tự sau:
a) Hội đồng quốc phòng và an ninh trình tờ trình và dự thảo nghị quyết;
b) Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội trình báo cáo thẩm tra.
c) Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận;
b) Chủ tọa phiên họp tổng hợp ý kiến phát biểu, nêu nội dung để Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết;
đ) Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết.”
2. Tổng động viên và động viên cục bộ:
Tổng động viên là biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược.
Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Khi có quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ. Khi không còn tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh. Khi thực hiện lệnh tổng động viên, Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; Quân đội nhân dân được bổ sung quân nhân dự bị.
Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng. Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ.
Trình tự quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Khoản 1 Điều 62 Nghị quyết Ban hành quy chế là việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội 2015 như sau:
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo trình tự sau:
a) Hội đồng quốc phòng và an ninh hoặc Thủ tướng Chính phủ trình tờ trình và dự thảo nghị quyết;
b) Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội trình báo cáo thẩm tra;
c) Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận;
d) Chủ tọa phiên họp tổng hợp ý kiến phát biểu, nêu nội dung để Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết;
đ) Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết.”
3. Ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp:
Khi quy định về tình trạng khẩn cấp thì Quốc hội sẽ sử dụng hình thức văn bản là nghị quyết mang tính quy phạm. Căn cứ vào quy định về tình trạng khẩn cấp của Quốc hội, khi có những tình huống đã được dự liệu phát sinh trên thực tế thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Cụ thể, khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên tai hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tính đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Khi không còn tình trạng khẩn cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ sử dụng hình thức văn bản là nghị quyết mang tính quy phạm. Trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp.
Trình tự ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị quyết Ban hành quy chế là việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội 2015 như sau:
“Điều 62. Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo trình tự sau:
a) Thủ tướng Chính phủ trình tờ trình và dự thảo nghị quyết;
b) Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được phân công chủ trì thẩm tra trình báo cáo thẩm tra;
c) Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận;
d) Chủ tọa phiên họp tổng hợp ý kiến phát biểu, nêu nội dung để Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết;
đ) Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết.”
Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã chỉ ra các quy định về quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh