Vị trí, chức năng và nhiệm kỳ của Chính phủ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:21 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Vị trí, chức năng và nhiệm kỳ của Chính phủ là gì?

Chính phủ là gì? Vị trí và chức năng của Chính phủ được quy định như thế nào? Nhiệm kỳ của Chính phủ được quy định là bao lâu? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này. 

Căn cứ Điều 1 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định như sau:

Điều 1. Vị trí, chức năng của Chính phủ

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.”

Vị trí, tính chất, chức năng và cơ chế thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ được quy định nhằm xây dựng Chính phủ mạnh, hiện đại, dân chủ, thống nhất quản lý vĩ mô các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ vai trò của Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, đồng thời Hiến pháp nhấn mạnh và đề cao vị trí, tính chất của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chức năng của Chính phủ bao gồm phạm vi hoạt động rộng lớn, không đơn thuần chỉ là chấp hành, triển khai chính sách, quyết định được Quốc hội thông qua. Chức năng hành pháp của Chính phủ còn được thể hiện ở các phương diện sau:

  • Đề xuất, xây dựng chính sách vĩ mô, đề xuất định hướng phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội, trình dự thảo luật trước Quốc hội;
  • Ban hành chính sách, kế hoạch cụ thể theo thẩm quyền của Chính phủ; ban hành các văn bản dưới luật để thực thi các chủ trương, chính sách, văn bản do Quốc hội ban hành;
  • Tổ chức thực hiện pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện kế hoạch, chính sách bởi các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thống nhất quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội;
  • Thiết lập trật tự hành chính, thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh vị trí của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm đề cao vị trí của Chính phủ trong bộ máy nhà nước, tạo thế chủ động cho Chính phủ trong hoạt động quản lý nhà nước - đóng vai trò lãnh đạo hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Vai trò của Chính phủ thể hiện ở các hoạt động chỉ đạo, điều hành sau:

  • Chính phủ ban hành các kế hoạch, chính sách cụ thể hóa, hướng dẫn, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách, văn bản do Quốc hội ban hành;
  • Chính phủ chỉ đạo hoạt động quản lý bao gồm toàn bộ các lĩnh vực trong phạm vi cả nước: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,… Còn các bộ, cơ quan ngang bộ lãnh đạo hoạt động quản lý nhà nước theo một ngành, một lĩnh vực nhất định được phân công;
  • Chính phủ thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra và đánh giá hoạt động thực hành chủ trương, chính sách và luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân.

Chính phủ do Quốc hội thành lập ra, nhiệm kỳ của Chính phủ cũng theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chính phủ được quy định cụ thể tại Điều 3 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 cụ thể như sau:

Điều 3. Nhiệm kỳ của Chính phủ

Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.”

“Nhiệm kỳ” là thời gian có tính chất chu kỳ trong đó người được bầu thực hiện một nhiệm vụ vì lợi ích chung. Nhiệm kỳ của Chính phủ là thời gian làm việc theo một khóa Quốc hội theo quy định của pháp luật, cứ hết mỗi khóa sẽ tiến hành bầu khóa mới để thực hiện những nhiệm vụ chung của đất nước.

Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Hiện nay, nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, theo đó nhiệm kỳ của Chính phủ cũng là 5 năm. Trong thời gian Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ thì Chính phủ cũ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã chỉ ra các quy định về vị trí, chức năng và nhiệm kỳ của Chính phủ ở Việt Nam.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư