Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong TTDS là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 8 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự được quy định như sau:

“Điều 8. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự

1. Trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội.

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án.

2. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.”

2. Một số khái niệm cơ bản.

- “Bình đẳng” được hiểu đó là sự ngang hàng nhau về địa vị và quyền lợi.

- “Quyền” là cái mà con người ta có và họ được tự quyết sử dụng hay không sử dụng nó.

- “Nghĩa vụ”: là điều bắt buộc cá nhân, con người phải thực hiện. Mọi hành vi làm cản trở lại quyền thiêng liêng này là vi phạm quyền con người và chuẩn mực đạo đức xã hội.

- “Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự” là những tư tưởng pháp lý chủ đạo, có tính bắt buộc chung, thể hiện quan điểm có tính định hướng của Nhà nước trong việc xét xử các vụ việc dân sự, được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự, trong đó trước Toà án, mọi công dân, cơ quan, tổ chức đều có địa vị pháp lý ngang nhau, không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý, các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự. Toà án giải quyết vụ việc dân sự độc lập, khách quan, đúng pháp luật và có trách nhiệm tạo điều kiện để đương sự được bình đẳng trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự.

3. Quy định của BLTTDS 2015 về nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự.

Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong TTDS được cụ thể hóa quy định tại Điều 16 Hiến pháp 2013: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Nguyên tắc này khẳng định vị trí của “mọi người”, mọi cơ quan, tổ chức trong TTDS là như nhau, không ai, không cơ quan, tổ chức nào có quyền đứng trên pháp luật để được hưởng những ưu tiên, ưu đãi cũng như không ai bị phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội của mình và các dấu hiệu khác. Để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự được khách quan đúng pháp luật thì giữa các đương sự phải được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ TTDS. Bên này được đưa ra yêu cầu chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì bên kia cũng phải được đưa ra yêu cầu, chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nguyên tắc này là tiền đề chủ yếu để thực hiện tranh tụng trong TTDS tại phiên tòa.

Nội dung cơ bản của nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong TTDS xác định khi tham gia tố tụng và các đương sự bình đẳng với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ TTDS, Tòa án có trách nhiệm thực hiện những biện pháp do luật định để các đương sự được thực sự bình đẳng với nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ.

Tuy nhiên, Điều này chỉ nói về sự bình đẳng của mọi người và cơ quan, tổ chức trong TTDS với tư cách là các bên, những người tham gia tố tụng. Điều này không nói rằng những người tham gia tố tụng bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng hay người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, ở đây cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, họ phải có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTDS. Họ không được gây cản trở, gây khó khăn, lạm quyền hoặc dùng những hành vi làm ảnh hưởng đến quyền bình đẳng của mọi người, cơ quan, tổ chức trong TTDS.

Như vậy, Điều luật đã khẳng định được chân lý của BLTTDS đó chính là khi tham gia tố tụng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án cũng như Tòa án, Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTDS.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư