Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng?

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:15 (GMT+7)

Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng

Tham nhũng là căn bệnh “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực nhà nước. Nói đến tham nhũng là nói đến sự nguy hại do nó gây ra trên tất cả các phương diện, từ chính trị, kinh tế, hành chính - pháp luật cho đến văn hóa, xã hội, đạo đức, tâm linh,…Vì vậy, phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề rất quan trọng, then chốt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 20 tháng 11 năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng gồm 10 Chương, 96 Điều. Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày quy định về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng

Tham nhũng là gì? 

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng bao gồm các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.

Cải cách hành chính

Theo quy định tại Điều 27 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

- Công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục trực tiếp tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi giải quyết công việc;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công;

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình;

- Thực hiện nhiệm vụ khác về cải cách hành chính.

Cải cách hành chính là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu nhất định được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính, làm cho các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn. Có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả, không chỉ giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị trong nhiều lĩnh vực lĩnh vực về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu,.....mà còn tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân, góp phần đẩy lùi gian lận, tham nhũng.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý

Điều 28 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý như sau:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

- Các Bộ, ngành có trách nhiệm đẩy mạnh xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia phục vụ cho việc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý cũng là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng hết sức hiệu quả và thực tế. Nếu việc quản lý được thay thế bởi máy móc thì nguy cơ tham nhũng sẽ được hạn chế. Khoa học công nghệ giúp mọi hoạt động được công khai, minh bạch , người dân và xã hội có điều kiện tiếp cận nhanh chóng và đầy đủ hơn để thực hiện quyền giám sát của mình, kịp thời phát hiện và phản ánh những hiện tượng sai trái, nguy cơ lợi dụng hoạt động công vụ để tham nhũng.

Thanh toán không dùng tiền mặt

Điều 29 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định thanh toán không dùng tiền mặt:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi sau đây:

+ Các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ;

+ Các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên.

- Chính phủ áp dụng biện pháp tài chính, công nghệ để giảm việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.

Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt là biểu hiện của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống tham nhũng. Lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ ràng, không chỉ giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp mà thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. Vì vậy, Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư