Kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố khi vận chuyển là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:34 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố khi vận chuyển

Hiện nay, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của nền công nghệ - khoa học trên thế giới, năng lượng nguyên tử ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong y tế, môi trường... ở khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Cục Năng lượng nguyên tử, ta có thể thấy được những thành tựu và kết quả nổi bật của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phục vụ kinh tế - xã hội ở nước ta. Để đạt được những thành quả đó, trước hết phải nói đến tiền đề pháp lý mà nước ta đã tạo ra cho các hoạt động năng lượng nguyên tử này, hướng dẫn và đảm bảo các hoạt động đi vào nề nếp và được quản lý một cách thống nhất.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các nội dung về kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố khi vận chuyển theo Điều 62 Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12 được Quốc hội lần thứ 12 thông qua ngày 03 tháng 06 năm 2008. (sau đây được gọi là Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008).

Yêu cầu của kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh

Trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt đều phải tính đến nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển vật liệu phóng xạ. Hồ sơ xin cấp phép vận chuyển vật liệu phóng xạ của cơ sở đều phải đi kèm với kế hoạch bảo đảm an ninh được Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân thẩm định chi tiết.

Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển vật liệu phóng xạ phải lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Có phương án bảo vệ an toàn cho người trực tiếp tham gia vận chuyển và những người có liên quan khác; kiểm tra sự nhiễm bẩn phóng xạ của kiện hàng, khu vực chuẩn bị kiện hàng phóng xạ, khu vực kho và các phương tiện vận chuyển; lập và lưu giữ hồ sơ kiểm tra;

- Nhân viên tham gia vào quá trình vận chuyển phải được đào tạo, cập nhật kiến thức về an toàn bức xạ, có hiểu biết về quy tắc phòng cháy, chữa cháy và quy định về vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ;

- Xây dựng, kiểm soát lộ trình vận chuyển; phòng ngừa việc thất lạc vật liệu phóng xạ, việc chiếm đoạt, phá hoại vật liệu phóng xạ.

Yêu cầu đối với kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở

Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển vật liệu phóng xạ phải lập kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở đáp ứng những yêu cầu sau đây:

- Quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ phận, cá nhân khi có sự cố xảy ra;

- Thông báo khẩn cấp cho các cơ quan có thẩm quyền về sự cố;

- Có biện pháp và phương tiện kỹ thuật cần thiết ứng phó sự cố;

- Cảnh báo cho dân chúng xung quanh nơi xảy ra sự cố;

- Khoanh vùng cách ly, ngăn chặn tiếp cận, khắc phục việc nhiễm bẩn phóng xạ;

- Cấp cứu nạn nhân.

Kế hoạch ứng phó sự cố trong vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ có mức độ nguy hiểm trên trung bình và vận chuyển vật liệu hạt nhân phải được diễn tập và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép thẩm định.

Thẩm quyền hướng dẫn lập kế hoạch

Khoản 4 Điều 62 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 quy định Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc lập kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố trong vận chuyển vật liệu phóng xạ.

Cụ thể tại: Thông tư số 01/2019/TT-BKHCN ngày 30/05/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư