Xoá đăng ký tạm trú như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:05 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc xoá đăng ký tạm trú

Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã). Nơi cư trú được của công dân bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú và nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại. 

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú. Đăng ký tạm trú là một trong các nội dung thuộc đăng ký cư trú. Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, xoá đăng ký tạm trú như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Các trường hợp xoá đăng ký tạm trú 

Khoản 1, Điều 29, Luật Cư trú năm 2020 quy định các trường hợp xoá đăng ký tạm trú bao gồm: 

- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

+ Khoản 1, Điều 68, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc tuyên bố mất tích như sau: Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

+ Khoản 1, Điều 71, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau: Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.

- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú.

Điều 14, Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định về việc huỷ bỏ đăng ký tạm trú như sau: 

+ Trường hợp đăng ký tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng điều kiện và không đúng đối tượng thì cơ quan đã đăng ký tạm trú ra quyết định huỷ bỏ việc đăng ký tạm trú. 

Trường hợp phức tạp thì báo cáo Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đã đăng ký tạm trú xem xét ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký tạm trú.

+ Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định huỷ bỏ việc đăng ký tạm trú, cơ quan đã đăng ký tạm trú có trách nhiệm cập nhật việc hủy bỏ đăng ký tạm trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; thông báo bằng văn bản cho công dân nêu rõ lý do.

- Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

Trong đó, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

+ Thôi quốc tịch được hiểu là không còn quốc tịch do xin thôi quốc tịch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. Điều 27, Luật quốc tịch năm 2008 quy định về căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam như công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam. 

+ Tước quốc tịch là biện pháp xử lý của nhà nước buộc công dân có hành động vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của công dân không được mang quốc tịch của nước đó. 

Điều 31, Luật quốc tịch năm 2008, quy định công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 23 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định Căn cứ hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam như sau: người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này, dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị hủy bỏ, nếu được cấp chưa quá 5 năm.

- Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;

- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;

Trong đó, căn cứ tại Khoản 1, Điều 2, Luật Cư trú năm 2020, chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.

- Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền xoá đăng ký tạm trú 

Khoản 2, Điều 29, Luật Cư trú năm 2020 quy định cơ quan đã đăng ký tạm trú có thẩm quyền xóa đăng ký tạm trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Trong đó, đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Do vậy, cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú là cơ quan có thẩm quyền đăng ký tạm trú. 

Căn cứ tại Khoản 4, Điều 2, Luật Cư trú năm 2020, cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh đó, căn cứ tại Khoản 3, Điều 2, Luật Cư trú năm 2020, cơ sở dữ liệu về cư trú là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về cư trú của công dân, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật Cư trú

Luật Hoàng Anh 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư