Các căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:58 (GMT+7)

Để giải quyết vấn đề ly hôn theo yêu cầu một bên, Tòa án cần căn cứ vào những yếu tố nào?

Ly hôn theo yêu cầu của một bên là ly hôn (tranh chấp ly hôn) mà chỉ có một người trong hai vợ chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân và bên còn lại không đồng ý ly hôn. Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

Theo quy định tại Điều luật trên, Tòa án chỉ giải quyết cho ly hôn khi có một hoặc các căn cứ sau đây: 


1. Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng 


Những hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng được quy định từ các Điều 17 đến Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: vi phạm về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng; vi phạm về quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng; Vi phạm về tình nghĩa vợ chồng; Vi phạm về việc lựa chọn nơi cư trú của vợ, chồng; Vi phạm về quyền tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng của vợ, chồng; Vi phạm về quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ và chồng. 
Ví dụ: Anh A kết hôn với chị B được hai năm thì phải đi làm ăn xa ở tỉnh khác. Trong thời gian anh A vắng nhà, chị B có mối quan hệ sống chung như vợ chồng với người khác. Hành vi của chị B vi phạm nghiêm trọng về chế độ một vợ một chồng được pháp luật tôn trọng, bảo vệ, vi phạm về tình nghĩa vợ chồng. Đây chính là căn cứ để anh A yêu cầu ly hôn với chị B.

 
2. Những hành vi trên làm cho đời sống hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. 


Tình trạng vợ chồng được coi là trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, bỏ mặc người vợ hoặc chồng muốn sống sao thì sống. Trường hợp này đã được người thân, hàng xóm, láng giềng, cơ quan, các tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. 
- Vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ lẫn nhau, thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên giải nhiều lần.
- Vợ, chồng không chung thủy, gắn bó với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người thân, hàng xóm, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục hành vi ngoại tình. 
Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng, không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt. 
Đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của bên thứ ba thì cần có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia là có thể xem xét ly hôn. 
Ngoài ra đối với một bên vợ, chồng mất tích đã được Tòa án tuyên bố mất tích thì bên kia có quyền yêu cầu ly hôn và việc mất tích là căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn. Về tuyên bố mất tích được quy định cụ thể tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi trong quan hệ hôn nhân gia đình, việc một người mất tích đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ vợ chồng và các thành viên trong gia đình. 


Luật Hoàng Anh  

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư