Các trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

Cấp dưỡng là một chế định quan trọng, đã được luật hóa ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng luật hôn nhân và gia đình, quy định về cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình khi có một bên lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa có khả năng tự nuôi sống

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Cấp dưỡng là một chế định quan trọng, đã được luật hóa ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng luật hôn nhân và gia đình, quy định về cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình khi có một bên lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa có khả năng tự nuôi sống bản thân. Vậy, các trường hợp cụ thể phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng là những trường hợp nào theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ với con.

Ly hôn là điều không mong muốn nhất đối với một gia đình; và con cái luôn là những đối tượng bị ảnh hưởng nhất khi một gia đình đổ vỡ, vì thường còn nhỏ và chưa có đủ khả năng lao động để nuôi sống bản thân, tự lập trong cuộc sống. Đảm bảo cho trẻ em trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu nhất để tiếp tục sống và phát triển là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và gia đình. Cha, mẹ là những người đương nhiên có trách nhiệm yêu thương, chăm lo và nuôi dưỡng con cái; và trong hoàn cảnh không sống cùng con sau ly hôn, thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái tối thiểu cho đến khi con đã có khả năng lao động, cụ thể: "Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.” ( điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 ).

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ sau ly hôn đối với con chưa thành niên thì người nào không trực tiếp nuôi con phải chi trả tiền cấp dưỡng cho đến khi con thành niên, tức là đến khi con 18 tuổi. Trường hợp con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, thì cha mẹ vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục cấp dưỡng cho con cái. Không ít trường hợp, cha mẹ sống chung cùng con cái, nhưng cha hoặc mẹ lại không đóng góp thu nhập, tài sản để nuôi dưỡng con mà mặc kệ việc nuôi dưỡng con cái cho người còn lại, hoặc phó mặc cho ông, bà chăm sóc. Do đó, pháp luật cũng đã quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp cha mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con như vậy.

Trường hợp khi hôn nhân đang tồn tại, mà cha mẹ không có điều kiện trực tiếp nuôi con (do công tác xa, phải chấp hành án phạt tù, đi điều trị bệnh lâu dài…), con được giao cho người khác trông nom thì cha, mẹ cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trường hợp người vợ hoặc chồng có con ngoài giá thú người cha/mẹ phải cấp dưỡng cho con ngoài hôn nhân (con ngoài giá thú) khi người con đó sống cùng người khác.

Các quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cái áp dụng chung cho cả con đẻ và con nuôi kể từ ngày giao nhận con nuôi[1] (sau khi đã đăng ký việc nuôi con nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ.

Tương tự, đối với bên được nhận cấp dưỡng là cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Pháp luật quy định các con bình đẳng với nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Trong việc cấp dưỡng cho cha, mẹ, các con cũng phải cùng nhau thực hiện nghĩa vụ này.

Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

3. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em.

Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”.

Bên cạnh đó, Điều 112 Luật này cũng quy định cụ thể hơn đối với nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em như sau:

Điều 112. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em với nhau được hiểu như nghĩa vụ cấp dưỡng có tính chất bổ sung cho nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con. Nghĩa vụ này đặt ra trong trường hợp cha, mẹ không còn và đối tượng là em chưa thành niên hoặc em đã thành niên, anh chị không có khả năng lao động và cũng không có tài sản để tự nuôi mình. Điều kiện thứ hai là anh chị, em không sống cùng nhau. Tuy nhiên, yếu tố không có tài sản là yếu tố bắt buộc để được cấp dưỡng. Nếu người chưa thành niên nhưng vẫn có tài sản để nuôi mình thì anh chị cũng không có nghĩa vụ cấp dưỡng.

4. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.

Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã  điều chỉnh về quan hệ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; và ngược lại giữa cháu và ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp một bên lâm vào tình trạng khó khăn, túng thiếu như sau:

"Điều 113. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1. Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này."

Có thể thấy, nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà cho cháu có thứ tự phát sinh sau khi người cháu: (i) không còn cha mẹ, hoặc cha mẹ không có khả năng cấp dưỡng; và (ii) không còn anh, chị, em để cấp dưỡng, hoặc anh, chị, em không có khả năng cấp dưỡng. Thứ tự phát sinh nghĩa vụ này là phù hợp với thực tế, vì ông bà thông thường là những người có khả năng lao động kém hơn là anh, chị, em của người cháu, thậm chí cũng không còn khả năng lao động; thu nhập sẽ kém hơn hoặc thậm chí là không có thu nhập cố định so với những người còn đang trong độ tuổi lao động. Ở chiều ngược lại, nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu cho ông, bà thì chỉ phát sinh sau nghĩa vụ cấp dưỡng của bố, mẹ cho ông bà (con với cha, mẹ).

Tuy nhiên, trên thực tế có một câu hỏi đặt ra là khi các con không còn, thì anh, chị, em của ông, bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông, bà trước hay cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà trước? Có thể thấy, Luật hôn nhân và gia đình 2014 không đặt ra vấn đề thứ tự ưu tiên nghĩa vụ trong trường hợp này. Tức là về mặt pháp lý, khi các con không còn, thì anh, chị, em của ông, bà và cháu của ông, bà đồng thời phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông, bà (khi ông, bà lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu.

5. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

Một điểm mới của Luật hôn nhân gia đình 2014 so với Luật hôn nhân và gia đình 2000 là điều chỉnh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột:

"Điều 114. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

1. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này".

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột chỉ phát sinh khi bên được cấp dưỡng không còn người khác cấp dưỡng (cha, mẹ, anh, chị, em, ông bà nội, ông bà ngoại); tức là về mặt thứ tự phát sinh nghĩa vụ là cuối cùng. Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các chủ thể trong quan hệ này như sau:

  • Điều kiện không sống chung: Cháu ruột không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột;
  • Điều kiện về huyết thống: Giữa cháu cô, dì, chú, cậu, bác phải là mối quan hệ ruột thịt cùng huyết thống. Hay nói cách khác, cô, dì, chú, cậu, bác phải là anh, em ruột thịt của cha, mẹ.
  • Điều kiện về nhân thân: Cháu ruột được hưởng cấp dưỡng khi chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
  • Điều kiện về tài sản: Cháu ruột không có tài sản để tự nuôi mình.
  • Điều kiện khác: Không có ai cấp dưỡng theo quy định.

Đây là trường hợp duy nhất có sự phân biệt về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa con đẻ và con nuôi; khi mà chỉ con đẻ của cha, mẹ mới được hưởng cấp dưỡng từ cô, dì, chú, cậu, bác ruột, còn con nuôi thì không được hưởng. Ngược lại, cháu nuôi cũng không phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác không phải ruột thịt.

6. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn.

Ngoài quan hệ cấp dưỡng liên quan đến huyết thống, nuôi dưỡng như trên, thì còn quan hệ cấp dưỡng liên quan đến hôn nhân, điều chỉnh về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn:  Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định "Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình".

Chắc chắn rằng có rất nhiều người không biết đến quy định này, vì với suy nghĩ thông thường rằng đã ly hôn thì “đường ai nấy lo”, chỉ cần quan tâm đến con cái là đủ. Bất ngờ hơn nữa là nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn đã được quy định từ Luật hôn nhân gia đình 1959 (Điều 30), tức quy định này đã có trên 60 năm. Tuy nhiên, quy định này rất khó đi vào thực tiễn vì chưa phù hợp với mối quan hệ của những người đã ly hôn[2].

Trên đây là các trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Trên thực tế, có thể phát sinh thêm một số trường hợp cụ thể ngoài các trường hợp cơ bản đã liệt kê ở trên. Hi vọng các bạn đã hiểu hơn về chế định cấp dưỡng để có thể vận dụng trong các tình huống mà mình gặp phải. 

   Luật Hoàng Anh

 

 


[1] Theo quy định tại Khoản 1, Điều 24, Luật Nuôi con nuôi 2010: “1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

[2] Mục 2.6, Báo cáo số 153/BC-BTP ngày 15/07/2013 của Bộ Tư pháp về tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư