2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Truyền thống ở chung nhiều thế hệ trong một gia đình là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong quá trình sống chung, các thành viên trong gia đình sẽ hiểu nhau, gắn bỏ và cùng nhau xây dựng gia đình với việc tạo lập tài sản chung. Vô hình trung, điều này tạo ra khó khăn trong việc xác định và phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hoàng Anh để hiểu hơn về các căn cứ xác định tài sản của vợ chồng khi ly hôn trong tài sản chung của gia đình.
Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015:
"1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này".
Các thành viên gia đình được hiểu theo điều luật là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và chung sống với nhau. Tuy nhiên như phân tích trên thì thành viên của một gia đình không hoàn toàn bó chặt trong phạm vi đó. Chính vì thế, căn cứ xác định tài sản của gia đình trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình cũng sẽ được áp dụng điều luật trên. Theo quy định trên, tài sản của gia đình gồm tài sản của các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Là tài sản chung của cả gia đình nên việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về trường hợp chia tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình:
Theo quy định của Điều luật thì có hai trường hợp để chia phụ thuộc vào tình trạng tài sản của vợ chồng.
- Nếu như tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của vợ chồng căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình.
Ví dụ như trường hợp cả gia đình làm công việc thủ công và mỗi người đóng một vai trò nhất định trong một công đoạn của quá trình sản xuất. Như vậy việc xác định công sức của mỗi người khi tạo ra sản phẩm như thế nào là điều không hề đơn giản. Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để có thể đưa ra những phán quyết thấu tình, đạt lý.
- Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần tức là tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể được xác định bằng hiện vật là các tài sản hiện hữu mà vợ chồng đóng góp khi sống chung với gia đình như các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày như bàn ghế, tivi, tủ lạnh... hay bằng một số tiền nhất định thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh