Cấp dưỡng

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

Nhà nước thực hiện nguyên tắc bảo hộ bà mẹ và trẻ em thông qua việc ban hành khung pháp lý để các thành viên trong gia đình ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Trong các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống giữa các thành viên trong gia đình, thì nghĩa v

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Nhà nước thực hiện nguyên tắc bảo hộ bà mẹ và trẻ em thông qua việc ban hành khung pháp lý để các thành viên trong gia đình ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Trong các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống giữa các thành viên trong gia đình, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Ngay từ khi xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình 1959, nghĩa vụ cấp dưỡng đã được quy định và luật hóa tại Điều 30 của Luật này. Luật Hôn nhân và gia đình 1986 tiếp tục kế thừa gần như nguyên bản các quy định về cấp dưỡng tại Điều 43, cụ thể:

Khi ly hôn, nếu bên túng thiếu yêu cầu cấp dưỡng thì bên kia phải cấp dưỡng theo khả năng của mình.

[...] Nếu người cấp dưỡng kết hôn với người khác thì không được cấp dưỡng nữa.

Có thể thấy rằng, các quy định về cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình 1959, Luật Hôn nhân và gia đình 1986 còn sơ sài, nhiều thiếu sót, chưa được quan tâm một cách thấu đáo. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được đặt ra trong quan hệ giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; trong khi đó, con cái mới là đối tượng chính cần được hưởng khoản cấp dưỡng của bố mẹ. Khắc phục vấn đề này, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đã nâng nghĩa vụ “cấp dưỡng” lên thành một chế định, một chương (chương 6) trong luật với 12 điều khoản cụ thể. Cấp dưỡng được định nghĩa rõ ràng tại Khoản 11 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 “ Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.” Đối tượng của nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được mở rộng hơn trong những mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng để phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định đối tượng nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

Điều 50. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Các quy định này đã luật hóa một nghĩa vụ cơ bản và quan trọng giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa vợ và chồng trong những trường hợp nhất định khi một bên cần sự hỗ trợ từ bên kia.

Có thể thấy rằng, quan hệ cấp dưỡng tồn tại giữa hai chủ thể có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng; trong đó, bên có nghĩa vụ cấp dưỡng dùng tiền hoặc tài sản để chu cấp, nuôi dưỡng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất cho bên nhận cấp dưỡng do không/chưa có khả năng tự nuôi sống bản thân khi hai bên không sống cùng nhau. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ có điều kiện, tương ứng với mỗi quan hệ khác nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Cấp dưỡng là một nghĩa vụ, tức là phải thực hiện cho đến khi các điều kiện thực hiện nghĩa vụ này không còn nữa. Nghĩa vụ cấp dưỡng gắn chặt với nhân thân của bên có nghĩa vụ do đó nghĩa vụ này  không thể thay thế hay chuyển giao cho bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, để không làm khó cho bên có nghĩa vụ, pháp luật chỉ đặt ra vấn đề cấp dưỡng cho những “nhu cầu thiết yếu” của người được cấp dưỡng.

Trải qua hơn 13 năm thi hành, các quy định về cấp dưỡng đã được chi tiết, cụ thể hóa tại nhiều văn bản khác nhau, nhưng nhìn chung còn cứng nhắc[1]. Luật mới chỉ quy định việc cấp dưỡng giữa những người có quan hệ đương nhiên về pháp luật (giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, anh, chị, em ruột, ông bà và cháu). Trong khi đó, tập quán và truyền thống văn hóa, đạo đức của gia đình Việt Nam thường đề cao trách nhiệm của những người có quan hệ thân thích với nhau theo phương châm: “sểnh cha còn chú, sểnh mẹ bú dì”. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giữ nguyên định nghĩa về cấp dưỡng, và quy định mở rộng thêm nghĩa vụ cấp dưỡng giữa những người thân thích khác (giữa cháu với cô, dì, chú, bác...) mà giữa người được cấp dưỡng và người cấp dưỡng đã có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như người trong gia đình:

“Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.”

Bên cạnh khái niệm cấp dưỡng, còn có thuật ngữ trong lĩnh vực Luật hôn nhân và gia đình rất hay bị nhầm lẫn với cấp dưỡng, đó là nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng và cấp dưỡng đều là nghĩa vụ mà các thành viên trong gia đình có trách nhiệm phải thực hiện và đều được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này bởi nuôi dưỡng và cấp dưỡng đều là nghĩa vụ của các chủ thể có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và hôn nhân. Do đó, phải dựa vào trường hợp cụ thể để phân biệt hai khái niệm này.

Tóm lại, cấp dưỡng là một chế định quan trọng, đã được luật hóa ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng luật hôn nhân và gia đình, quy định về cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình khi có một bên lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa có khả năng tự nuôi sống bản thân. Đây là một chế định thể hiện tính nhân văn của pháp luật, phù hợp với văn hóa, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta.

Luật Hoàng Anh

 


 

[1] Mục 2.6, Báo cáo số 153/BC-BTP ngày 15/07/2013 của Bộ Tư pháp về tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư