Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:00 (GMT+7)

Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được quy định tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nhằm bảo vệ, duy trì những giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp trong gia đình

Trong gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con mối quan hệ gần gũi, gắn bó nhất (bao gồm cả quan hệ giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi). Cha, mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, tình cảm giữa cha mẹ và con là tình cảm thiêng liêng nhất.

Vì vậy pháp luật quy định các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con nhằm mục đích bảo vệ, duy trì những giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp trong gia đình Việt, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đặc biệt này.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

"Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội."

Theo đó, điều luật quy định 03 nhóm nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 và những hành vi bị cấm tại Điều 4.

1. Nhóm quyền, nghĩa vụ thứ nhất (khoản 1) bao gồm quyền và nghĩa vụ sau: Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục con

Con là kết tinh giữa tình yêu của cha và mẹ, người mẹ mang nặng đẻ đau, người cha tần tảo chăm sóc, dạy dỗ. Cha mẹ có quyền yêu thương và cũng có nghĩa vụ thương yêu con. Cha mẹ thể hiện sự yêu thương con bằng những hành động cụ thể, tạo mọi điều kiện về tài chính, thời gian, những gì tốt đẹp nhất cho con để con cảm nhận được sự yêu thương của cha, mẹ. Từ đó con phát triển lành mạnh về thể chất, đạo đức, trí tuệ, trở thành một người con ngoan của gia đình, một công dân tốt trong xã hội.

2. Nhóm quyền, nghĩa vụ thứ hai (khoản 2) bao gồm: Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con

Đối tượng là con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, bảo vệ, chăm sóc tất cả các con như nhau. Đối với con chưa thành niên là con chưa trưởng thành và con bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động là người có những khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, đây là các trường hợp gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống so với những người con đã thành niên hoặc phát triển bình thường, vì vậy, pháp luật quy định điều luật riêng biệt về việc cha mẹ dành sự chăm sóc, nuôi dưỡng cho con thuộc các trường hợp này để bù đắp những hạn chế và khó khăn mà con gặp phải.

Quy định này mang tính nhân văn phù hợp với truyền thống đạo đức của người Việt.

3. Nhóm quyền và nghĩa vụ thứ ba (khoản 3) gồm các quyền và nghĩa vụ: Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

- Quyền giám hộ và đại diện của cha mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.

+ Về quyền giám hộ được quy định dẫn chiếu qua Bộ luật dân sự năm 2015 từ Điều 46 đến Điều 63.

+ Về quyền đại diện được quy định tại từ Điều 134 đến Điều 143 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Nhóm hành vi bị cấm (khoản 4)

Khoản 4 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình quy định 03 nhóm hành vi bị cấm trong quan hệ cha mẹ và con như sau:

- Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ.

Phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của con có giới tính nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa con có giới tính nam và nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội và trong gia đình.

Con không bị phân biệt đối xử theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ là việc các con đều được hưởng đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ và cha, mẹ phải thực hiện các nghĩa vụ với con theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào việc cha, mẹ có kết hôn hay không kết hôn, đã ly hôn hay chưa.

- Không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động.

Con chưa thành niên cần được đảm bảo các quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, được học tập, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi của mình, không bị ép buộc lao động quá sức.

- Không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Xúi giục là xui và thúc đẩy người khác làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Ép buộc là bắt phải làm điều không muốn hoặc trái với ý muốn.

Việc quy định các hành vi cấm đối với cha mẹ với con nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng quyền của cha, mẹ đối với con để gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của con cũng như gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Luật Hoàng Anh

 

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư