Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho vợ, chồng không?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:58 (GMT+7)

Luật quy định như thế nào về trường hợp người thân yêu cầu ly hôn không

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân và gia đình thì ly hôn chính là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân đó. Nếu như thủ tục kết hôn chỉ được xác lập bằng ý chí, sự tự nguyện, sự quyết định của hai bên vợ chồng thì ly hôn có bắt buộc chính vợ hoặc chồng trực tiếp yêu cầu không? Trong bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về vấn đề cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho vợ, chồng không?
Theo quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có thể xin ly hôn thay cho người thân và luật cũng quy định cụ thể về lý do xin ly hôn. Trong đó có bạo lực gia đình là một căn cứ để cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
Đồng thời Khoản 3 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định:  
“3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.
Việc quy định cho cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi có các căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 51 và Khoản 3 Điều 56 là một trong những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn như trước đây thì hiện nay căn cứ để cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Đồng thời họ là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Việc này còn bảo vệ quyền lợi của con cái họ cũng như sự yên ấm trong gia đình, dòng họ. 
Ngoài cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì người thân thích cũng có quyền tương tự. Người thân thích được quy định tại Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“19. Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”. 
Người thân thích ở đây có thể là người có quan hệ nuôi dưỡng (bố mẹ, ông bà, bố mẹ nuôi…), người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời ( chị em cùng cha khác mẹ, con chú, con bác, con cậu… ). 
Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ”. 
Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp mong muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do trước đây chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự yêu cầu trong khi họ không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. 
Để thực hiện quyền yêu cầu ly hôn, cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng phải chứng minh được việc người chồng hoặc vợ bị mất năng lực hành vi dân sự phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Do vậy, căn cứ ly hôn do yêu cầu của cha, mẹ người thân thích khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo các điều kiện ly hôn mang tính thuyết phục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi. 


Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư