Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận.

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định phụ thuộc chặt chẽ vào sự phát triển của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tập quán… của đất nước. Chế độ tài sản của vợ chồng ở từng thời kì xã hội là khác nhau. Thực hiện và áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng góp phần vào sự ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng.

I, Căn cứ xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận

Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.” Theo quy định để xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, các bên phải đủ điều kiện sau:

Thứ nhất, thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn, nghĩa là những cặp vợ chồng đã thực hiện việc kết hôn mà muốn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì không thể lựa chọn được nữa.

Thứ hai, hình thức của thỏa thuận phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực bởi “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật quy định” (khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó điều kiện về hình thức này không được đáp ứng thì không có tác dụng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Thứ ba, hai bên xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận phải tiến hành đăng ký kết hôn. Những trường hợp kết hôn trái pháp luật, đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền sẽ không thể xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Thứ tư, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không bị vô hiệu toàn bộ. Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Thỏa thuận này có thể bị vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ nhưng chỉ có trường hợp vô hiệu toàn bộ mới không có tác dụng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.

II, Căn cứ chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận

Thứ nhất, vợ chồng thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận: Luật hôn nhân và gia đình không có điều khoản nào quy định trực tiếp về trường hợp vợ chồng thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản, trong đó có: Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Từ quy định này có thể hiểu chế độ tài sản theo thỏa thuận có thể được chấm dứt theo thỏa thuận của vợ chồng.

Thứ hai, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu hóa toàn bộ: bởi nội dung  thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng sẽ quay về chế độ tài sản luật định, khi đó chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt.Theo Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu khi:

-  Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

- Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm quy định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng; có sự phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập;…

-  Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

 Thứ ba, quan hệ hôn nhân chấm dứt: Chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ tồn tại trong thời kì hôn nhân. Do đó, khi quan hệ hôn nhân chấm dứt thì chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận sẽ đương nhiên bị chấm dứt.

III, Nội dung của chế độ tài sản theo thỏa thuận

Theo Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Thứ nhất, tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

- Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Hai người phải thỏa thuận cụ thể những tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng.

- Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung. Với cách này thì không tồn tại tài sản riêng cũng nhưng nghĩa vụ tài sản riêng giữa vợ và chồng.

- Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó.

Ngoài ra, vợ chồng có thể tự chọn một cách thỏa thuận tài sản chung, riêng khác, miễn sao phù hợp hoàn cảnh của vợ chồng, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Thứ hai, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình, quyền lợi của con cái, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau: ở đây các bên có thể thỏa thuận theo hướng tài sản chung thì nghĩa vụ chung, tài sản riêng thì nghĩa vụ riêng hoặc có thể tự chọn một cách thỏa thuận khác.

Thứ ba, điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản: Khi xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận các bên cần bàn bác, thỏa thuận với nhau về điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận để hạn chế xảy ra tranh chấp và tiết kiệm thời gian khi phân chia tài sản.

Ngoài ra vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản. Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản thì thỏa thuận này cũng phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực.

IV, Thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận

Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ thì áp dụng các nguyên tắc chung trong chế độ tài sản của vợ chồng và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.

- Khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiều thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

- Khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng. Pháp luật cho phép vợ chồng được sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng việc này chỉ được thực hiện khi thỏa thuận chưa bị tuyên bố vô hiệu. Khi đã tuyên bố vô hiệu rồi thì chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng chấm dứt, vợ chồng bắt buộc phải áp dụng các quy định của chế độ luật định để điều chỉnh quan hệ tài sản.

- Khi chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư