2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thực tế không thiếu những trường hợp chồng gây sự, đánh người gây thương tích và phải bồi thường dân sự, thậm chí là bị xử lý hình sự. Trong trường hợp tài sản chung của hai vợ chồng không đủ để bồi thường thì vợ có phải lấy tài sản riêng để chịu trách nhiệm bồi thường cùng chồng không. Trong bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ giải đáp thắc mắc của nhiều khách hàng về vấn đề "Chồng đánh người gây thương tích thì vợ có phải chịu trách nhiệm và bồi thường không"?
Khoản 4, Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng:
"Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng".
Để xác định vấn đề Vợ có phải chịu trách nhiệm và bồi thường khi chồng đánh người gây thương tích, ta cần xác định các trường hợp có thể xảy ra trên thực tế:
Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Trong trường hợp này, hành vi gây thiệt hại mang tính chất cá nhân của chồng và không có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa hai vợ chồng về việc sẽ gây thiệt hại, thương tích cho người khác. Mặt khác, người chồng gây thương tích cho người khác là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên phải tự chịu trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra.
Nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản, chồng bạn sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để bồi thường cho người bị thương. Nếu tài sản riêng không đủ thì phải dùng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu.
Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường".
Mặt khác Khoản 1, Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:
"Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ".
Theo quy định trên thì vợ sẽ là người giám hộ đương nhiên của chồng nếu chồng bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Về phương thức bồi thường, Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người mất năng lực hành vi dân sự mà có người giám hộ thì dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được việc mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Như vậy trường hợp chồng bạn làm người khác bị thương thì có hai hướng giải quyết:
- Nếu chồng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, chồng sẽ phải tự bồi thường bằng tài sản riêng của mình. Nếu tài sản riêng không đủ thì phải dùng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung để bồi thường.
- Nếu chồng không có năng lực hành vi dân sự, vợ sẽ bồi thường bằng tài sản riêng của chồng. Nếu tài sản riêng của chồng không đủ thì vợ phải dùng tiền của mình để bồi thường. Nếu vợ chứng minh không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh