Chồng thế chấp nhà ở có cần hỏi ý kiến của vợ không?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:57 (GMT+7)

Trường hợp thế chấp nhà ở thì chồng có cần hỏi ý kiến vợ hay tự quyết định

Trên thực tế, không thiếu những trường hợp chồng chơi lô đề, bài bạc, cá độ bóng đá hay làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần. Nhiều người sau khi rơi vào hoàn cảnh này đã thế chấp các tài sản trong nhà để trả nợ. Một trong những thắc mắc liên quan đến vấn đề này mà Luật Hoàng Anh được nhận trong những ngày qua là “Chồng thế chấp nhà ở có cần hỏi ý kiến của vợ không”? Hãy cùng Luật Hoàng Anh trả lời câu hỏi này trong bài viết dưới đây.


I. Nhà ở có phải tài sản chung của hai vợ chồng không?


“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. 

Theo quy định trên và căn cứ vào Khoản 9, Khoản 10, Nghị định 126/2014/NĐ-CP, nhà đất trong những trường hợp sau đây thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng:
- Nhà ở được mua bằng tiền hoặc tài sản chung khác của vợ chồng.
- Nhà ở được tặng cho chung, thừa kế chung.
- Nhà ở có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.
Nếu trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì đất đó được coi là tài sản chung của vợ và chồng. 
Ví dụ hai vợ chồng lấy nhau, cùng đi làm và dành dụm được số tiền chung 900 triệu dùng để xây nhà. Hoặc hai người kết hôn với nhau được bố mẹ chồng tặng cho một ngôi nhà để sinh sống, việc tặng cho được ghi trong biên bản họp gia đình có công chứng. 


II. Chồng thế chấp nhà ở có cần hỏi ý kiến của vợ không?


Khoản 4, Điều 98, Luật Đất đai 2013 quy định: 
“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.
Như vậy, dù nhà đất là tài sản chung nhưng nếu vợ chồng có thỏa thuận ghi tên một người thì Giấy chứng nhận sẽ ghi tên vợ hoặc tên chồng. Dù đứng tên một người nhưng khi chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,… vẫn phải do vợ chồng thỏa thuận.
Điều 26, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.

Theo quy định trên thì khi xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng, nếu như được thực hiện bởi vợ hoặc chồng thì giao dịch này chỉ có hiệu lực khi có sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng. Do đó, nếu chồng thế chấp nhà ở là tài sản chung mà không hỏi ý kiến của vợ thì việc thế chấp đó là trái pháp luật và vô hiệu theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình.  Hậu quả pháp lý của việc vô hiệu đó là các quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được và các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015.


Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư