Đại diện giữa vợ và chồng trong hôn nhân

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

1. Khái niệm về đại diện

Theo Điều 134 Bộ luật dân sự 2015:

“1, Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2, Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3, Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện”.

2. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng

Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình được pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng khi tham gia vào các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, lao động,… khi chính họ không thể trực tiếp tham gia các giao dịch dân sự đó và cũng là đảm bảo cho quyền và lợi ích của bên thứ ba khi tham gia giao dịch. Vì vậy tại Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“1, Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ Luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2, Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ Luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

3, Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”

Việc đại diện giữa vợ và chồng là trường hợp đặc biệt trong quan hệ đại diện được quy định trong pháp luật dân sự bởi vì vợ, chồng có thể đại diện cho nhau khi thực hiện các nghĩa vụ về nhân thân của bên vợ hoặc chồng. khi các giao dịch cần đại diện giữa vợ và chồng thì thường là đã có sự thống nhất về mặt ý chí giữa vợ và chồng.

Trong trường hợp vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải có yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, kèm theo đó là các tài liệu có giá trị chứng minh như bản kết luận của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và các chứng cứ khác để chứng minh họ bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sau đó có quyết định của Tòa án là tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Đại diện trong quan hệ kinh doanh

Điều 25 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“1, Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ, chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

2, Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.”

4, Đại diện trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng

Theo Điều 26 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

“1, Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

2, Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tực mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.”

5, Căn cứ chấm dứt việc đại diện cho nhau giữa vợ và chồng

Thứ nhất, vợ, chồng đại diện cho nhau theo ủy quyền thì việc đại diện sẽ chấm dứt khi:

  • Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành.
  • Người ủy quyền hoặc người người được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

Thứ hai, vợ, chồng đại diện cho nhau theo pháp luật thì việc đại diện sẽ chấm dứt khi:

  • Năng lực hành vi của người được đại diện đã được khôi phục.
  • Người đại diện chết.

Tóm lại, có thể hiểu đại diện giữa vợ và chồng là việc một bên vợ hoặc chồng nhân danh và vì lợi ích của người còn lại xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Các giao dịch  được xác lập thông qua quan hệ đại diện giữa vợ chồng cần được thực hiện theo đúng quy định mới được pháp luật công nhận. Trên đây là những thông tin về vấn đề đại diện giữa vợ và chồng mà Luật Hoàng Anh cung cấp tới bạn đọc. Mọi khó khăn, thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ tới chúng tôi qua  Hotline: 0908.308.123 để được giải đáp cụ thể hơn.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư