Hậu quả pháp lý của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:57 (GMT+7)

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý gì

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu sẽ dẫn tới những hậu quả gì không phải ai trong chúng ta cũng hiểu và nắm rõ. Trong bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về ba hậu quả pháp lý xay ra khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu:


1. Về hiệu lực của hôn nhân khi Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu


Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được lập để quy định hậu quả của hôn nhân về phương diện tài sản. Do đó, hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phụ thuộc vào hiệu lực của hôn nhân. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực kể từ khi kết hôn”. Tuy nhiên nếu thỏa thuận về chế độ tài sản bị vô hiệu thì không làm cho hôn nhân bị vô hiệu, thậm chí trong trường hợp vợ chồng trước khi kết hôn thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng là điều kiện để xác lập quan hệ hôn nhân. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không phải là điều kiện kết hôn cũng như căn cứ hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. 
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về khái niệm kết hôn trái pháp luật:
“6. Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”.


2. Quan hệ tài sản của vợ chồng kể từ khi kết hôn đến thời điểm thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu


Sự vi phạm các điều kiện có hiệu lực dẫn đến hậu quả là thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu. Nghĩa là vợ chồng chưa xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Nếu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ thì trường hợp này được xem là kết hôn mà không lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Vì vậy, chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định sẽ được áp dụng cho quan hệ tài sản của vợ chồng kể từ khi kết hôn đến khi bị Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu. Nếu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chỉ vô hiệu một phần thì phần nội dung vô hiệu sẽ áp dụng các quy định của chế độ tài sản theo luật định và các nội dung không bị vô hiệu vẫn có hiệu lực. 


3. Quy định về quyền lựa chọn lại chế độ tài sản của vợ chồng


Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì vợ chồng không có quyền lựa chọn lại chế độ tài sản của vợ chồng. Vì vậy, chế độ tài sản của vợ chồng trong trường hợp này sẽ là chế độ tài sản theo luật định dù hai người có muốn hay không. 
Mặt khác, nếu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu một phần thì không làm thay đổi chế độ tài sản của vợ chồng. Chế độ tài sản được áp dụng cho vợ chồng vẫn là chế độ tài sản theo thỏa thuận. Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 01/2016/TTLT ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.  


Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư