Khi nào cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con gây ra?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:04 (GMT+7)

Khi con gây thiệt hại thì chủ thể nào sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Trong thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ em, những người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho xã hội dưới nhiều hình thức: từ việc đá bóng làm vỡ cửa kính nhà hàng xóm, đến việc xô xát, ẩu đả làm bị thương người khác. Vậy khi đó, chủ thể nào sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Căn cứ Bộ luật dân sự 2015 thì có thể hiểu:

- Con chưa thành niên: là những cá nhân dưới 18 tuổi (theo khoản 1 Điều 21);

- Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự: những người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác, không thể nhận thức và làm chủ hành vi (phải có tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự từ Tòa án thông qua kết luận của tổ chức giám định) (theo khoản 1 Điều 22).

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại khoản 1 Điều 73 như sau:

“Điều 73. Đại diện cho con

1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.”

Như vậy, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; Việc đại diện này được xem là quyền những cũng đồng thời là nghĩa vụ của cha mẹ. Trong đó cha mẹ có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trách nhiệm dân sự mà theo đó khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác thì phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra.

Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Vì vậy, khi con chưa thành niên hoặc con mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ có nghĩa vụ phải bồi thường. Chế tài này được áp dụng theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 và Điều 586, Điều 599 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: 

- Cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại so con chưa thành niên dưới 15 tuổi gây ra. Nếu cha, mẹ không đủ tài sản để bồi thường mà người con gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng của con để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp con gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình. Nếu người gây thiệt hại không có tài sản thì cha, mẹ phải bồi thường. Nếu người gây thiệt hại có tài sản nhưng không đủ để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.

- Con mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà cha, mẹ là người giám hộ thì cha, mẹ được lấy tài sản của người con đó để bồi thường. Nếu người con mất năng lực hành vi dân sự không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ là người giám hộ phải bồi thường bằng chính tài sản của mình.

- Con dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường thì trường học có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Con mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác quản lý thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường. Nếu trường học, bệnh viên, tổ chức khác chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc quản lý người con đó thì cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại do con gây ra.

Có thể thấy, pháp luật quy định như vậy để ràng buộc trách nhiệm của cha mẹ giúp họ nâng cao ý thức hơn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự và họ phải gánh chịu hậu quả nếu để con mình gây ra thiệt hại cho người khác.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư