2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Dưới góc độ pháp lý, ly hôn là một trong những cơ sở làm phát sinh quan hệ cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng cho con là một trong những vấn đề đau đầu của các cặp vợ/ chồng khi quyết định ly hôn. Bởi số tiền này dùng để chi trả cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con. Trong bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ giải đáp những thắc mắc của quý khách hàng xoay quanh vấn đề mức cấp dưỡng cho con khi ly hôn là bao nhiêu?
Khoản 3, Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
"Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này".
Hiểu một cách đơn giản, cấp dưỡng là cung cấp những thứ cần thiết cho cuộc sống như thức ăn, quần áo, dịch vụ khám chữa bệnh, tiền học, sách vở... cho người được cấp dưỡng (con). Người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể thực hiện nghĩa vụ trên bằng việc đóng góp tiền, hiện vật trực tiếp sử dụng được để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Về mặt nội dung pháp lý, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn là một nội dung quan trọng của luật hôn nhân gia đình, được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Khái niệm cấp dưỡng ở trên được đánh giá là khá đầy đủ và thể hiện rõ mục đích cấp dưỡng khi ly hôn là đảm bảo về mặt vật chất để con có thể phát triển toàn diện như bạn bè đồng trang lứa, bù đắp phần nào về tinh thần khi con không được sống trong một gia đình trọn vẹn.
Mức cấp dưỡng được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Mức cấp dưỡng là khoản tiền hay hiện vật khác mà người được cấp dưỡng nhận từ người có nghĩa vụ cấp dưỡng để phục vụ cho sinh hoạt của mình.
2.1 Căn cứ xác định mức cấp dưỡng
Thứ nhất, căn cứ xác định mức cấp dưỡng là thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Để đánh giá thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì dựa vào hai yếu tố là tài sản hiện có và thu nhập. Người được coi là có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể chia làm hai nhóm sau:
- Người có thu nhập ổn định và đáp ứng nhu cầu cơ bản của bản thân
- Người không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí cho nhu cầu cơ bản của bản thân.
Ví dụ: Anh A và vợ ly hôn, hiện tại A đang là quản lý cao cấp của một chuỗi nhà hàng. Trừ đi tiền ăn uống, giao lưu, xăng xe đi lại thì mỗi tháng anh A còn dư 25 triệu thì anh A được xem là có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế tương đối tốt.
Thứ hai, căn cứ vào nhu cầu của con
Khoản 20, Điều 3, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
"Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình".
Bên cạnh đó, khi xét nhu cầu của con cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương con sinh sống. Ví dụ ở các thành phố lớn thì chi phí sinh hoạt sẽ cao hơn so với những vùng nông thôn.
Ví dụ: Ở quê một tháng cháu B ăn uống, thuốc men, quần áo, sách vở, tiền học hết 1 triệu đồng. Tuy nhiên cháu B chuyển lên thành phố sống với mẹ sau khi bố mẹ ly hôn thì chi phí sinh hoạt của cháu tăng lên 2 triệu 500 nghìn đồng một tháng.
2.2 Xác định mức cấp dưỡng
Hiện nay pháp luật không có quy định một con số cụ thể về mức cấp dưỡng cho con khi vợ chồng ly hôn. Việc xác định mức cấp dưỡng cho con bao nhiêu dựa trên sự thỏa thuận, bàn bạc thống nhất của hai vợ chồng. Bản chất quan hệ pháp luật dân sự là đặt sự thỏa thuận lên hàng đầu. Quan trọng hơn chỉ có bố mẹ mới hiểu được con mình có nhu cầu sinh hoạt như thế nào và tình hình thu nhập của đối phương. Ngoài ra, khi cả hai thống nhất, đồng ý với nhau về mức cấp dưỡng thì thủ tục giải quyết ly hôn và việc thi hành án sẽ đơn giản hơn, tránh quá trình kiện tụng mất thời gian, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con.
Trong trường hợp các bên có xảy ra tranh cãi, tranh chấp, không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết vấn đề này một cách hợp lí. Trên thực tế không thiếu những trường hợp người trực tiếp nuôi con đề nghị mức cấp dưỡng quá cao, không thực tế khi thu nhập của người còn lại thì thấp. Ngược lại cũng có những người không muốn nhận cấp dưỡng khi nuôi con trong khi đối phương muốn cấp dưỡng. Vì vậy việc yêu cầu Tòa giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho con là điều nên làm.
Ví dụ: Anh A là thợ hồ thu nhập mỗi tháng 7 triệu, anh A và chị B ly hôn. Hai người thỏa thuận sẽ giao con chị B chăm sóc. Tuy nhiên chị B yêu cầu anh A mỗi tháng cấp dưỡng cho con 5 triệu là quá cao so với thu nhập thực tế của anh A nên anh A không đồng ý và hai người nên ra Tòa để giải quyết.
Sau khi có bản án, quyết định Tòa án tuyên có hiệu lực thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn không thực hiện việc cấp dưỡng hoặc cấp dưỡng không đầy đủ thì người trực tiếp nuôi con có quyền khởi kiện yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự (nơi người có nghĩa vụ đang cư trú) buộc người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh