Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:06 (GMT+7)

 

Con cái là sợi dây vô hình gắn kết hạnh phúc hôn nhân, là “tài sản” giá trị nhất của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều cặp vợ chồng nào không may mắn vì không thể có thai tự nhiên do nhiều nguyên nhân. Theo thống kê, tỉ lệ vô sinh của người dân nước ta chiếm khá cao, khoảng 10% các cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh sản. [1] Thực tế, có hàng triệu cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con nhưng chưa thể thực hiện được mơ ước của mình.  Khi nền y học ngày càng phát triển thì mong ước được làm cha, làm mẹ của một số cặp vợ chồng hiếm muộn đã trở thành hiện thực, bởi các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở nước ta đang trở nên ngày càng phổ biến và đây cũng là vấn đề phức tạp, do vậy pháp luật đã đặt ra các quy định điều chỉnh về vấn đề này.

1. Giải thích một số thuật ngữ

Căn cứ Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Một số thuật ngữ được giải thích như sau:

- Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

- Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi.

- Vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai.

- Phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Các nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

2. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

3. Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

4. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

5. Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Trong đó, “tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm” được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 57/2015/TT-BYT

Điều 3. Tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

1. Không đang mắc bệnh lý mà không đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai, sinh con; không đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của trẻ khi sinh ra; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

2. Người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải có kết luận bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm xác định đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con.

 

[1] Số liệu tham khảo từ bài viết “Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Đoàn Thị Ngọc Hải ( Sở Tư pháp Ninh Bình) đăng ngày 17/02/2020

 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư