Nguyên tắc bảo vệ quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:00 (GMT+7)

Giữa cha mẹ và con phát sinh quyền và nghĩa vụ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ dựa trên những nguyên tắc được quy định chi tiết tại Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển lành mạnh, văn minh của xã hội. Trong gia đình tồn tại mối quan hệ cha mẹ và con, giữa cha mẹ và con phát sinh những quyền và nghĩa vụ được bảo vệ một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con tại Điều 68 như sau:

“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

4. Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Bảo vệ là chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm, để giữ cho được nguyên vẹn (theo Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng năm 2009, trang 53).

Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con là chống lại mọi sự xâm phạm quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con, giữ cho các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của pháp luật được nguyên vẹn.

Pháp luật quy định tôn trọng và bảo vệ các quyền này nhằm duy trì những giá trị truyền thống, tốt đẹp của gia đình trong xã hội và ngăn chặn, loại trừ những tác động xấu đến mối quan hệ này.

Theo đó, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được bảo vệ bởi pháp luật trên cơ sở các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ bao gồm các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như: thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giám hộ, đại diện cho con…,

Quyền và nghĩa vụ của con được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như: quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, được học tập và giáo dục,…; nghĩa vụ yêu thương yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ,…

Ngoài ra Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định cha mẹ và con có quyền thừa kế theo pháp luật.

Như vậy chỉ có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định trong các văn bản pháp luật mới được pháp luật tôn trọng, bảo vệ và không bị xâm phạm bởi bất kì cá nhân, tổ chức nào. Mọi hành vi xâm phạm quyền, và không thực hiện nghĩa vụ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình.

Quy định này được hiểu là con sinh ra được hưởng đầy đủ các quyền và phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ của mình không phụ thuộc vào việc cha mẹ có kết hôn hay không kết hôn, đã ly hôn, ly thân.

Thứ ba, giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật nuôi con nuôi năm 2010, Bộ luật dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan.

Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con mà Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và các luật khác có liên quan quy định.

Nguyên tắc này khẳng định quan hệ giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi có các quyền như con ruột với cha, mẹ đẻ và nhằm ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử giữa con đẻ với con nuôi.

Thứ tư, mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Nguyên tắc này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cha mẹ và con trong các giao dịch dân sự của cha, mẹ và con khi con là người chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động (già yếu) và không có tài sản để tự nuôi mình.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư