2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, cha mẹ quyền và nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc,… Bên cạnh những quyền và nghĩa vụ cơ bản này, cha mẹ còn có quyền đại diện cho con theo quy định của pháp luật.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền đại diện cho con của cha mẹ như sau:
“Điều 73. Đại diện cho con
1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Điều luật quy định về quyền đại diện theo pháp luật của cha, mẹ đối với con và quyền, trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch về tài sản đối với con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, đại diện là việc cá nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
+ Cha mẹ đại diện cho con là nhân danh con thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của con.
+ Cha mẹ chỉ là người đại diện cho con khi có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
+ Quyền đại diện chỉ được xác lập khi con chưa có người khác làm giám hộ hoặc chưa có người khác đại diện theo pháp luật. Đây là quyền nhân thân của cha mẹ đối với con.
Trong quan hệ giữa cha, mẹ và con chưa thành niên và con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ xác lập một quyền đại diện duy nhất là đại diện theo pháp luật (được quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự).
Khi đại diện cho con, cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết của con.
Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ phải thỏa thuận với nhau nhằm ngăn chặn cách hành vi lạm quyền của cha, mẹ gây thiệt hại về tài sản cho con. Quy định này cũng khẳng định quyền bình đẳng của cha mẹ trong việc đại diện cho con.
Cha mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015. Việc quy định trách nhiệm liên đới của cha, mẹ nhằm ràng buộc trách nhiệm chung bằng tài sản của mình để hạn chế việc cha mẹ tùy tiện, lạm quyền khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của con và gây ra thiệt hại.
Với tư cách là người đại diện theo pháp luật của con, cha mẹ có các quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con; đại diện cho con trong các giao dịch dân sự, quản lý tài sản của con theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Việc xác định người đại diện theo pháp luật là vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh