Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em với nhau và quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, bác, cậu, bác ruột và cháu ruột được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Pháp luật quy định quan hệ giữa anh, chị, em với nhau và quan hệ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột với cháu ruột, kèm theo là quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ này

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Các mối quan hệ gia đình được hình thành và bảo tồn, duy trì trong xã hội Việt Nam từ hàng nghìn năm. Đây là mối quan hệ được thiết lập tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và bền vững tạo nên nền tảng xã hội của người Việt. Bên cạnh các quan hệ giữa ông bà, cha mẹ và con, pháp luật cũng quy định quan hệ giữa anh, chị, em với nhau và quan hệ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột với cháu ruột, kèm theo là quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ gia đình này.

1. Quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em

Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.”

Trong gia đình, anh, chị, em có mối quan hệ gần gũi do không chỉ cùng huyết thống mà giữa họ còn có sự chênh lệch về độ tuổi không nhiều nên về tâm lý có phần cân bằng với nhau, ít có khoảng cách hơn, ít bị tác động bởi các lễ nghi, phong tục so với các chủ thể khác là cha, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác.

Bảo vệ truyền thống gắn bó của gia đình, sự chia sẻ giữa các thành viên gia đình với nhau, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em tạo cơ sở pháp lý cho việc gắn bó trách nhiệm giữa các thành viên này. Cụ thể:

- Anh, chị, em trong gia đình dù là anh, chị, em cùng cha cùng mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em nuôi thì đều có quyền và nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Anh, chị, em thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cả khi còn cha mẹ và khi không còn cha mẹ, cả khi sống chung với nhau cũng như khi không sống chung với nhau.

- Anh, chị, em có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015:

- Anh, chị, em có quyền và nghĩa vụ đại diện theo pháp luật của nhau với tư cách là người giám hộ.

- Anh, chị em, có quyền thừa kế: Nếu người chết để lại di chúc cho anh, chị, em của họ được thừa kế thì anh, chị, em được thừa ke theo di chúc. Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật thì anh ruột, chị ruột, em ruột thuộc hàng thừa kể thứ hai của người chết.

2. Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, bác, cậu, bác ruột và cháu ruột

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 106. Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của Luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.”

Trong gia đình Việt Nam, xét về thứ bậc và sự gần gữi thì cô, dì, chú, cậu, bác ruột với cháu có khoảng cách nhất định so với các quan hệ khác trong gia đình như giữa ông bà, cha mẹ với con, cháu.

Tuy nhiên do đều là thành viên trong gia đình nên họ cũng có quan hệ gắn bó với nhau, có quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. 

- Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không còn những người khác nuôi dưỡng như cha, mẹ, anh, chị, em, ông bà nội, ông bà ngoại hoặc còn nhưng những người này không có khả năng nuôi dưỡng thì cô, dì, chú, bác, cậu ruột có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

- Cháu ruột có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng cô, dì, chú, bác, cậu ruột khi họ cần được nuôi dưỡng mà không có con, anh, chị, em hoặc tuy có nhưng những người này không có khả năng nuôi dưỡng cô, dì, chú, bác, cậu.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư