Sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:04 (GMT+7)

Sau khi ly hôn cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì sau khi ly hôn cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

1. Đối với cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại ĐIều 82 như sau;

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”

1.1. Quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Thăm nom con được hiểu là việc đi lại thăm hỏi con và xem con có được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hay không. Sau khi ly hôn, người cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền và đồng thời là nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Quyền này bị hạn chế quyền nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Ví dụ, nhiều trưởng hợp người không trực tiếp nuôi con đã lợi dụng quyền thăm nom con để gây khó khăn, như đón con đi chơi rồi không giao con lại cho người trực tiếp nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, trên thực tế khi đã ly hôn, có người trực tiếp nuôi con chỉ cho phép người kia thăm nom cho có lệ hoặc, không tạo điều kiện vun đắp, nuôi dưỡng tình cảm mà còn tìm cách chia rẽ tình cảm của con với người còn lại. Ngược lại, cũng có những người lợi dụng quyền thăm con một cách bất hợp lý, thái quá, gây xáo trộn cuộc sống của người trực tiếp nuôi con và ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của con.

1.2. Nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Không ít trường hợp, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không đóng góp thu nhập, tài sản để nuôi dưỡng con mà mặc kệ việc nuôi dưỡng con cái cho người còn lại, hoặc phó mặc cho ông, bà chăm sóc. Cho nên, pháp luật quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp cha mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con như vậy là rất cần thiết.

2. Đối với cha, mẹ trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Cùng với các quyền và nghĩa vụ đối với con của mình, thì người trực tiếp nuôi con cũng có nghĩa vụ và quyền sau đây được nêu ở Điều 83 đối với người không trực tiếp nuôi con:

“Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Việc quy định quyền này dành cho người được giao nuôi con trực tiếp là nhằm bảo vệ quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc con và phòng ngừa việc các thành viên gia đình (như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,...) cản trở, gây khó khăn cho họ khi thực hiện quyền đó.

3. Chế tài xử phạt việc vi phạm nghĩa vụ của cha, mẹ sau khi ly hôn

Nếu cản trở quyền và nghĩa vụ thăm nom, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về ngăn cản quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà với cháu, giữa cha mẹ với con, giữa vợ và chồng, giữa anh chị em với nhau thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Ngược lại, người không trực tiếp nuôi con trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có biện pháp buộc họ thực hiện nghĩa vụ đối với con như cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản… theo pháp luật thi hành án. Theo khoản 2 Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật sẽ bị coi là vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư