2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản là vấn đề khá phức tạp, đặc biệt về mặt pháp lý, bởi nó làm thay đổi những quan niệm truyền thống về mặt huyết thống giữa cha mẹ và con. Bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ giới thiếu tới quý bạn đọc những nội dung pháp lý cơ bản về vấn đề sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản theo quy quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành.
1. Khái niệm sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản
Theo khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đưa ra định nghĩa về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau: “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”. Trong y học và pháp luật quy định có hai kỹ thuật được áp dụng trong hỗ trợ sinh sản là: thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản là một thuật ngữ bao hàm rộng hơn sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Do đó, có thể hiểu rằng sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản là việc sinh con có sự can thiệp của các kỹ thuật sinh học được tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật.
Hiện nay, có nhiều kỹ thuật y sinh học được áp dụng để sinh con, tuy nhiên chủ yếu gồm sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
2. Quy định của pháp luật về sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Lần đầu trong lịch sử lập pháp, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã ghi nhận quyền được sinh con bằng kỹ thuật sinh sản, được nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là một bước tiến lớn trong công tác lập pháp của nước ta, là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến vấn đề này.
2.1 Quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Trước đây, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP “nghiêm cấm mang thai hộ” dưới mọi hình thức thì đến Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã thay đổi bằng quy định “nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại”.
Như vậy, sau 10 năm pháp luật hôn nhân và gia đình đã có nhìn nhận mới liên quan đến vấn đề mang thai hộ. Bên cạnh việc pháp luật đưa ra hai khái niệm về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng như các văn bản hướng dẫn đã có những quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
2.2 Chế độ thai sản
Pháp luật về bảo hiểm cũng có quy định đối với trường hợp mang thai hộ, cụ thể:
- Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ (Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP).
- Chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ (Điều 4 Nghị định 115/2015/NĐ-CP).
- Thủ tục hưởng chế độ thai sản (Điều 5 Nghị định 115/2015/NĐ-CP).
2.3 Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2.3.1 Đối với cặp vợ chồng vô sinh
Trong những trường hợp cụ thể, việc xác định cha, mẹ, con được tiến hành như sau:
- Trường hợp con sinh ra trong giá thú:
Con trong giá thú là con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật. Như vậy đứa con sinh ra bằng phương pháp khoa học trong thời kỳ hôn nhân cũng được xác định là con trong giá thú. Căn cứ vào khoản 1 Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 con được sinh ra theo phương pháp khoa học sẽ có cha là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 88 về xác định cha, mẹ, con cho đứa con trong giá thú.
Thông thường khi nam nữ kết hôn với nhau, trở thành vợ chồng, trong thời kỳ hôn nhân mà người vợ sinh con thì con đó mặc nhiên được coi là con chung của hai vợ chồng theo nguyên tắc suy đoán được quy định tại điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”.
- Trong trường hợp đặc biệt, con được sinh ra theo phương pháp khoa học nhưng vẫn trong thời kỳ hôn nhân thì căn cứ vào Điều 88, đứa trẻ vẫn được xác định là “con chung” của vợ chồng tương tự như đứa con huyết thống.
- Trường hợp người vợ thụ tính trong thời kỳ hôn nhân nhưng sinh con khi hôn nhân kết thúc.
Theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nếu người vợ có thai nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa là kể từ khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật (ly hôn hoặc chồng chết), nếu trong hạn 300 ngày mà sinh con thì con đó vẫn được xác định là “con chung’ của hai vợ chồng.
2.3.2 Đối với phụ nữ độc thân muốn sinh con
Khoản 2 Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra”.
Như vậy, việc xác định mối quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp người phụ nữ độc thân sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản được áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con.
Tuy nhiên, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng nên trong trường hợp người mẹ độc thân mang thai đứa con bằng phương pháp sinh con khoa học nhưng sau đó kết hôn và sinh con trong thời kỳ hôn nhân thì đứa con đó vẫn được xác định là con chung của vợ chồng.
2.3.4 Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không làm phát sinh mối quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng người được nhờ mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra.
Mang thai hộ được thực hiện đối với cặp vợ chồng hợp pháp, quá trình thụ thai phải được diễn ra trong thời kỳ hôn nhân. Việc tiến hành mang thai hộ diễn ra ngoài thời kỳ hôn nhân là trái với quy định của pháp luật. Đứa trẻ chỉ được coi là con chung của vợ chồng trong trường hợp đứa trẻ đó được người mang thai hộ thụ thai thông qua kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, cụ thể là thụ tinh nhân tạo, trong thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh