Thời điểm có hiệu lực và hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:03 (GMT+7)

3 nguyên tắc để xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định Luật hôn nhân và gia đình là gì?

Việc xác định thời điểm có hiệu lực của một giao dịch dân sự nói chung cũng như việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định thời điểm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ về atài sản của chủ thể giao dịch hoặc của vợ và chồng. Đây cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch đó.

3 nguyên tắc để xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định trong Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là:

1. Thời diểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

“Điều 39. Thời diểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Như vậy, các căn cứ để xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là trên căn cứ thỏa thuận giữa hai vợ chồng, nếu không thòa thuận thì có hiệu lực từ ngày lập văn bản, từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định, hoặc từ ngày ngày bản án, quyết định chia tài sản chung của vợ chồng của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, quan hệ tài sản của vợ chồng có những thay đổi nhất định liên quan đến hình thức sở hữu một số loại tài sản. Luật quy định cụ thể vấn đề này ở Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều luật này được hướng dẫn rõ hơn tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, theo đó:

- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng. Trong đó:

+ Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại;

+ Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Ví dụ, trong thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng (đã có hiệu lực) nêu rõ 100 triệu đồng trong số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng là tài sản riêng của người vợ. Người vợ cho bạn của mình vay 100 triệu (tài sản ban đầu) với lãi suất 5%/năm thì khoản tiền lãi 5.000.000 đồng thu được từ người bạn của vợ là lợi tức - được coi là tài sản riêng của vợ.

- Trừ khi các bên thỏa thuận khác thì việc phân chia tài sản chung của vợ chồng không làm thay đồi giá trị pháp lý của các giao dịch với người thứ ba có trước khi thời điểm phân chia tài sản chung có hiệu lực. Như vậy có thể thấy rằng, pháp luật đảm bảo vợ, chồng có quyền tự do định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của mình nhưng đồng thời cũng yêu cầu vợ, chồng không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba do việc phân chia tài sản chung.

- Sự kiện phân chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại làm cho một bộ phận tài sản đáng lẽ sẽ là tài sản chung nay lại trở thành tài sản riêng. Tuy nhiên thì hệ quả này chỉ áp dụng cho hoa lợi, lợi tức phát sinh sau khi đã chia tài sản chung, những hoa lợi, lợi tức có trước đó vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất mà không bị lấy ra khỏi tài sản chung và nhập vào tài sản riêng.

- Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba. Dù vợ, chồng tiến hành chia toàn bộ tài sản chung thì chế độ tài sản của vợ, chồng vẫn là chế độ tài sản theo luật định. Việc chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại chỉ thay đổi hình thức sở hữu từ chung sang riêng đối với những tài sản nhất định. Những tài sản còn lại không nằm trong thỏa thuận vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

- Ngoài ra, từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư