Điều kiện bảo hộ tác phẩm được quy định như thế nào?

Thứ sáu, 02/06/2023, 10:41:13 (GMT+7)

Căn cứ pháp lý

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ 2022);

- Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 4 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tác phẩm là gì?

Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đưa ra khái niệm tác phẩm như sau: "Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào."  Theo quy định này, Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra hai dấu hiệu của tác phẩm là: (i) sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học; (ii) được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. 

Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vô cùng phong phú và đa dạng, không bị giới hạn về nội dung hay hình thức thể hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả. Nếu như pháp luật Sở hữu công nghiệp có thể đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể để đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ như tính mới, tính sáng tạo hay khả năng phân biệt.... thì pháp luật về quyền tác giả không thể đặt ra những tiêu chỉ về nội dung hay hình thức thể hiện để xem xét về việc bảo hộ một tác phẩm.

Điều kiện bảo hộ tác phẩm

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Do đó, tác phẩm muốn được bảo hộ cần phải đáp ứng những điều kiện sau:

  • Là kết quả của hoạt động sáng tạo

Nội dung là vấn đề quan trọng của một tác phẩm và với chính tác giả sáng tạo ra nó, vì vậy chất lượng nội dung cần được chú ý và đáng quan tâm. Thực tế, nhận thấy những tác phẩm có nội dung phong phú, sáng tạo sẽ được mọi người đón nhận và sẽ có sức mạnh trường tồn theo dòng thời gian. Để có được điều đó, tác giả của nó phải là người có tài năng, kinh nghiệm, có tình yêu trong lĩnh vực lao động sáng tạo. Tuy nhiên, việc thừa nhận tác phẩm hoàn toàn không phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm. Tác phẩm đã được tạo ra dù có nội dung với chất lượng như thế nào dều được thừa nhận, miễn là tác phẩm đó mang tính sáng tạo. Quy định của pháp luật về tính sáng tạo của tác phẩm ở các nước đều có sự khác nhau về mức độ nhưng tựu chung lại đều là yêu cầu về tính mới của tác phẩm.

  • Phải được ấn định trên hình thức vật chất hoặc được thể hiện thông qua hình thức nhất định

Thực tế, những ý tưởng, hay kết quả lao động sáng tạo của một người nào đó tuy đã có nội dung cụ thể nhưng chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức nhất định, khiến người ngoài rất khó nắm bắt được vấn đề đó, vì vậy không thể có cơ sở để thừa nhận, từ đó được bảo hộ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6  Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Vì vậy, kết quả lao động sáng tạo về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học của một ngươi chỉ được thừa nhận khi kết quả đó được thể hiện ra ngoài bằng hình thức nhất định. Khi một người muốn công bố rằng đó là kết quả sáng tạo của mình thì người đó phải chứng minh được kết quả đó đã được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức nhất định vào thời điểm trước khi người kia công bố tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế, việc chứng minh đó khá khó khăn nếu tác phẩm đó chưa được công bố, bởi bên cạnh việc người khác chỉ có thể nắm bắt được tác phẩm khi nó được thể hiện theo hình thức nhất định thì để mọi người biết được tác phẩm bằng cách trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trừng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình hoặc các hình thức khác. Các hình thức vật chất mà tác phẩm thể hiện có thể hiểu chung là các vật mang tin như sách, báo, trang viết,…

  • Thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học

Lao động vừa là bản năng vừa là hoạt động không thể thiếu của con người trong đời sống xã hội. Mọi người đều có quyền tự do lao động trong mọi lĩnh vực phù hợp với khả năng của mình. Thông qua lao động, mọi người tạo ra của cải vật chất cũng như giá trị tinh thần cho xã hội, phát triển đất nước. Sản phẩm do lao động tạo ra là rất phong phú, trong đó, lao động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học tạo ra các giá trị tinh thần cho xã hội được thể hiện thông qua các loại hình tác phẩm. Vì vậy, kết quả lao động chỉ được coi là tác phẩm nếu lao động đó được thực hiện trong các lĩnh vực nói trên.

Tóm lại, vì quyền tác giả được phát sinh tự động mà không cần đăng ký, nên khi sử dụng, thưởng thức các tác phẩm đều cần phải hiểu rõ nội dung, điều kiện bảo hộ để tránh xảy ra việc tranh chấp hay vi phạm bản quyền.

Phân loại tác phẩm 

- Dựa vào lĩnh vực sáng tạo:

+ Tác phẩm văn học là kết quả của lao động sáng tạo trong lĩnh vực văn học được thể hiện theo phương thức hay hình thức bất kỳ với một thể loại nhất định, Phương thức thể hiện của loại hình tác phẩm này có thể thông qua sách, thông qua phát thanh, thông qua báo chí....

+ Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật được thể hiện thông qua một vật thể và với một phương thức nhất định. Tác phẩm nghệ thuật được tạo ra theo nhiều chuyên ngành khác  nhau như hội họa, tạo hình, điêu khắc, điện ảnh.....

+ Tác phẩm khoa học là kết quả của hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chính trị. bao gồm các bài viết, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, giáo trình....

- Dựa vào nguồn gốc hình thành tác phẩm:

+ Tác phẩm gốc là tác phẩm được tạo ra lần đầu tiên với nội dung và hình thức thể hiện không trùng lặp với các tác phẩm khác. Tác phẩm gốc là nguyên liệu đầu vào, cơ sở hình thành nên tác phẩm phái sinh. 

+ Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở tác phẩm gốc, bằng việc thay đổi nội dung, hình thức thể hiện hoặc cả hai. Tác phẩm phái sinh mặc dù được tạo trên cơ sở tác phẩm đã có những vẫn có yếu tố sáng tọa đủ để được bảo hộ như môt tác phẩm độc lập. Hơn thế nữa, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc.

- Dựa vào phương thức truyền tải đến công chunhs:

+ Tác phẩm nghe là các tác phẩm mà công chúng nhận biết và cảm thụ về nó thông qua thính giác. Tác phẩm nghe bao gồm các tác phẩm âm nhạc kể cả nhạc có lời và nhạc không lời.

+ Tác phẩm nhìn là các tác phẩm mà công chúng có thể nhận biết, cảm thụ nó thông qua thị giác. Các tác phẩm nhìn bao gồm các tác phẩm về hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh....

+ Tác phẩm nghe nhìn là các tác phẩm mà công chúng muốn nhận biết và cảm thụ trọn vẹn phải có sự kết hợp cả thính giác và thị giác. Tác phẩm nghe nhìn có thể kể đến như tác phẩm điện ảnh, sân khấu...

+ Tác phẩm đọc là các tác phẩm có thể nhận biết và cảm thụ thông qua ngôn ngữ viết.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, cùng với quy định tại Công ước Berne về tác phẩm và thông qua một số quy định trong Nghị định 17/2023/NĐ-CP . Theo quy định tại các văn bản pháp luật đó thì các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác, bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút kí, kí sự, tuỳ bút, hồi kí, thơ, trường ca, kịch bản, bản nhạc, công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác. Tác phẩm được bảo hộ còn là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình.
  • Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
  • Tác phẩm âm nhạc là là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Tuy nhiên, thường phải thông qua giọng hát, nhạc cụ thì mới có thể truyền các tác phẩm này đến công chúng.
  • Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó. Nó bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác như phim truyền hình, video.
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
  • Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.
  • Tác phẩm kiến trúc là à tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm: Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh; Công trình kiến trúc.
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian tại điểm a, khoản 1 điều 23 Luật sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật ngôn từ.
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm b, c khoản 1 điều 23 Luật sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian.
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu là một hoặc một nhóm chương trình được biểu hiện dưới dạng chuỗi lệnh viết theo ngôn ngữ lập trình nhất định và các tệp dữ liệu có liên quan chỉ dẫn cho máy tính biết phải làm gì để thực hiện được nhiệm vụ đề ra, có thể được cài đặt như một phần mềm của máy tính hoặc có thể sắp xếp dưới hình thức văn bản, đĩa mềm, đĩa CD-ROM.
  • Tác phẩm phái sinh, bao gồm tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển. Đây là các tác phẩm được tại ra từ các tác phẩm đã có. Các tác phẩm này chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Tóm lại, việc nắm rõ quy định của pháp luật về các loại hình tác phẩm là rất quan trọng, tránh những tranh chấp, vi phạm quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm.

Tác giả của tác phẩm

Quá trình tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học kĩ thuật là quá trình hoạt động sáng tọa của cá nhân. Bởi vậy, tác giả của các tác phẩm văn học nghệ thuật, các công trình khoa học kĩ thuật chỉ có thể là con người cụ thể. Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định về tác giả như sau: "Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm."

Theo đó, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. trực tiếp sáng tạo được hiểu là người truyền tải ý tưởng sáng tạo của mình ra bên ngoài thế giới vật chất dưới một hình thức để người khác có thể nhận biết và sự biểu hiện đó mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân tác giả. 

Người hỗ trợ cho tác giả thể hiện tác phẩm dưới hình thức vật chất nhưng không có sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân sẽ không được công nhận là tác giả hay đồng tác giả. 

Dựa vào số lượng người sáng tạo ra tác phẩm có thể chia tác giả làm hai loại:

- Thứ nhất, tác giả đơn nhất. Tác giả đơn nhất là cá nhân bằng lao động sáng tạo của một mình họ để trực tiếp tạo ra toàn bộ tác phẩm. trong trường hợp này, tác giả đơn nhất được hưởng toàn bộ quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm.

- Thứ hai, đồng tác giả. Đồng tác giả là những người cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày cụ thể hơn về đồng tác giả.

Chủ thể của quyền tác giả

Chủ thể quyền tác giả là cá nhân, tổ chức có quyền đối với tác phẩm do họ sáng tạo ra hoặc là chủ sở hữu. Do tính chất giới hạn về không gian bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ theo Luật này bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam: Các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tác phẩm dù được công bố tại bất kỳ đâu đều được bảo hộ;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Có thể thấy Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ là việc nội luật hoá Điều 3 Công ước Berne về tiêu chuẩn bảo hộ liên quan đến quốc tịch, nơi cư trú của tác giả hay nơi tác phẩm công bố. Việc xác định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam dựa trên các tiêu chí: (i) quốc tịch; (ii) nơi tác phẩm được công bố lần đầu; (iii) Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định này, không chỉ các tác phẩm của cá nhân, tổ chức Việt Nam mà cả các tác phẩm của các cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng mặc nhiên được bảo hộ tại Việt Nam theo những căn cứ được quy định tại Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần đăng ký quyền tác giả.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư