2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Sở hữu trí tuệ, lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, hoạt động của các chủ thể trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyền tác giả hay quyền liên quan là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, thực tế đã ghi nhận nhiều tranh chấp phát sinh xoay quanh lĩnh vực này, có thể kể tới tranh chấp liên quan tới bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, tranh chấp liên quan tới vở "Tinh hoa Bắc Bộ",....Bài viết dưới đây tập trung làm rõ các vấn đề xoay quanh câu chuyện "quyền liên quan", tại sao Pháp luật sở hữu trí tuệ lại ghi nhận "quyền liên quan" là câu hỏi được giải đáp thông qua nội dung dưới đây.
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ 2022);
- Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định: "Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa."
Như vậy Quyền liên quan được hiểu bao gồm ba loại quyền: quyền của người biểu diễn đối với chương trình biểu diễn của họ; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm đối với bản ghi âm của họ (theo pháp luật Việt Nam thì cả bản ghi hình); quyền của tổ chức phát sóng đối với các chương trình phát sóng của họ. Người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được hưởng quyền vì họ là những người có công giúp cho tác phẩm của tác giả được truyền bá tới công chúng, hay nói cách khác tuy không là tác giả của tác phẩm nhưng họ chính là cầu nối giữa tác giả và công chủng, nhờ có họ mà công chúng được tiếp cận với tác phẩm, vì thế mà họ cũng có các quyền nhất định.
- Thứ nhất, Quyền liên quan là quyền phái sinh, nó được hình thành dựa trên việc sử dụng tác phẩm gốc, hay khi quyền tác giả được sử dụng nó sẽ làm hoặc có thể làm phát sinh quyền liên quan.
Ví dụ: nhạc sĩ viết ra ca khúc và cho phép ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình, khi ca sĩ hát bài hát đó (sử dụng tác phẩm) thì ca sĩ đã giúp nhạc sĩ đưa bài hát tới người nghe, ca sĩ với công lao này cũng có quyền bảo vệ cho sự trình diễn của mình. Tuy nhiên người ca sĩ có quyền liên quan phải tôn trọng quyền tác của nhạc sĩ sáng tác, và việc bảo hộ quyền liên quan không được gây cản trở việc bảo hộ quyền tác giả.
- Thứ hai, các tác phẩm trình diễn của người biểu diễn, các bản ghi âm, ghi hình của tổ chức sản xuất ra chúng và các chương trình phát sóng của các tổ chức phát thanh truyền hình phải là các tác phẩm gốc. Tính nguyên gốc của tác phẩm được thể hiện ở hai khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất là các sản phẩm hay "tác phẩm" đó phải thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, phản ánh rõ nét dấu ấn riêng của chủ thể uyền liên quan. Sáng tạo, độc đáo là ở khía cạnh thể hiện chứ không phải làm sai lệch tác phẩm gốc của tác giả. Khía cạnh thứ hai, quyền liên quan chỉ phát sinh đối với các đối tượng được tạo ra lần đầu. Đặc điểm này đặc biệt được nhấn mạnh đối với các bản ghi âm và các chương trình phát sóng.
- Thứ ba, là sự hạn chế về thời gian bảo hộ ngay cả với quyền nhân thân. Đây là đặc điểm riêng biệt của quyền liên quan trong tương quan so sánh với các quyền sở hữu trí tuệ khác. Bởi lẽ sự hạn chế về thời hạn bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ là rõ ràng và không cần bàn cãi vì cần có sự cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền và lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, sự giới hạn đó thông thường chỉ là sự giới hạn về các quyền tài sản, còn các quyền nhân thân thường là vô thời hạn. Trong khi đó, quyền nhân thân của chủ thể quyền liên quan chỉ có thể được báo hộ và bảo hộ được khi bàn định hình còn tồn tại, nếu bản định hình không còn nữa thì không có cơ sở để bảo vệ quyền. Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân gắn liền vưới sự tồn tại của accs bản định hình chứa đối tượng bảo hộ.
- Thứ tư, mặc dù là quyền phải sinh nhưng quyền liên quan là một loại quyền sở hữu trí tuệ độc lập. Như trên đã trình bày, cơ sở hình thành quyền liên quan chính là việc sử dụng tác phẩm có bản quyền. Vì thế việc bảo hộ quyền liên quan không cho phép bất kì sự cản trở nào làm ảnh hưởng đến quyền tác giả, hay bảo hộ quyền liên quan luôn phải xem xét trong mối quan hệ với quyền tác giả để không gây phương hại đến quyền tác giả, không thể bảo hộ quyền liên quan nếu có sự xâm phạm quyền tác giả.
Để tác phẩm đến được với đông đảo công chúng thì vai trò của người biểu diễn, của các tổ chức sản xuất băng đĩa ghi âm, ghi hình, các tổ chức thực hiện chương trình phát sóng là thật sự cần thiết. Hoạt động của các cá nhân, tổ chức này là phương thức truyền tải tác phẩm tới công chúng một cách rộng rãi, sự ghi nhận về mặt Pháp luật đối với tác phẩm của các cá nhân, tổ chức trên là hoàn toàn phù hợp, xét về mặt cơ sở lý luận cũng như thực tiễn áp dụng. Xã hội ngày càng phát triển, phương tiện thông tin đại chúng cũng càng phát triển và như một hệ quả tất yếu, hành vi bất hợp pháp xâm phạm đến quyền liên quan ngày càng xảy ra phổ biến, với nhiều cách thức, "thủ đoạn" tinh vi hơn. Vì vậy, nhu cầu bảo hộ quyền liên quan được đặt ra như một sự tồn tại khách quan cần có, các tác phẩm văn học và nghệ thuật khác nhau chứa đựng các phương thức khác nhau để được đưa tới, ra mắt công chúng. Trước đó, phần lớn các tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ và sự thể hiện tác phẩm loại này chủ yếu dưới dạng sách viết. Việc vi phạm quyền tác giả tại thời điểm đó thường được thể hiện dưới hình thức sao chép bất hợp pháp hoặc dịch mà không có sự đồng ý của tác giả. Đối với loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, những loại hình nghệ thuật khác được đưa đến cho người xem thông qua thính giác hay thị giác thì tác phẩm được diễn đạt bởi những diễn viên. Về sau, khi thế giới cũng như Việt Nam ghi nhận sự phát triển ngày càng lớn của nền khoa học kĩ thuật công nghệ đã tạo ra sự chuyển biến căn bản trong hình thức thể hiện, truyền bá tác phẩm. Các công nghệ mới tạo ra nhiều thách thức lớn trong việc bảo vệ quyền liên quan, vì có thể nhân bản và phát đi rất nhanh các tác phẩm, có thể sự dụng lặp lại, hay không giới hạn người xem. Do vậy, khác với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như lĩnh vực quyền tác giả hay lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, các đối tượng mà quyền liên quan bảo hộ chủ yếu xuất phát từ sự phát triển của khoa học công nghệ. Pháp luật trong lĩnh vực quyền liên quan vì thế cũng ra đời sau sự phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời sự phát triển của lĩnh vực bảo hộ quyền liên quan theo đó rất đa dạng, từ đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền liên quan.
Hơn nữa, việc bảo hộ quyền liên quan sẽ thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực này. Hầu hết hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới hiện nay đều công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền liên quan nói riêng của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động sáng tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bảo hộ quyền liên quan khuyến khích sự sáng tạo, thông qua các quy định của pháp luật, chủ sở hữu quyền có điều kiện để sử dụng, khai thác các lợi ích hợp pháp, có thể bù đắp các chi phí, qua đó tạo động lực để tiếp tục sáng tạo các sản phẩm mới. Bảo hộ quyền liên quan là một điều kiện cần thiết để tăng cường giao lưu văn hoá khoa học giữa các quốc gia và nâng cao uy tín của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Việc bảo hộ có hiệu quả "quyền liên quan" là một trong những điều kiện căn bản để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phát triển môi trường thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội, đồng thời giúp cho công chúng được tiếp cận và thường thức những giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, đặc biệt hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, khiến cho quyền liên quan dễ dàng bị xâm phạm. Vì vậy, việc bảo hộ quyền liên quan càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Nếu như đối tượng bảo hộ của Quyền tác giả là các tác phẩm văn học nghệ thuật thì đối tượng bảo hộ của Quyền liên quan là các chương trình biểu diễn (của người biểu diễn), các chương trình ghi âm (của nhà sản xuất bản ghi âm) và các chương trình phát sóng (của các tổ chức phát sóng). Các chương trình biểu diễn, chương trình ghi âm, chương trình phát sóng đó muốn được bảo hộ thông thưởng sẽ phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định do pháp luật quốc gia hoặc quốc tế quy định.
Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
- Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài,
+ Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Vệp Nam
+ Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật sở hữu trí tuệ
+ Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật sở hữu trí tuệ;
+ Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam
+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo ĐƯQT mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Chương trình phát sóng, tín hiệu về tính mạng chương trình được mà hoa được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam
+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
Tuy nhiên, các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng... chỉ được bảo hộ khi không gây phương hại đến quyền tác giả điều này thể hiện rõ quyền liên quan là một quyền phái sinh của quyền tác giả.
Các chủ thể quyền liên quan sẽ được hưởng các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định đối với các đối tượng được bảo hộ của Quyền liên quan. Tuy nhiên, còn một khái niệm khác cũng cần phải lưu ý để tránh nhầm lẫn đó là chủ sở hữu Quyền liên quan. Theo quy định tại Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất-kĩ thuật của minh để thực hiện cuộc biểu diễn, để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình đó. Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan. Như vậy, chủ thể Quyền liên quan và chủ sở hữu Quyền liên quan không phải lúc nào cũng là một. Cụ thể chủ thể quyền liên quan bao gồm: Người biểu diễn; tổ chức cá nhân là chủ sở hữu quyền liên quan; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng được quy định như sau:
Theo Khoản 1, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định người biểu diễn bao gồm:
Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan
1. Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn)
Điều 3 Công ước Rome cũng quy định “Người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày hoặc biểu diễn tác phẩm văn học, nghệ thuật”.
Người biểu diễn là người sử dụng tác phẩm của người khác một cách sáng tạo trong sự thể hiện các tác phẩm văn học nghệ thuật bao gồm diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật. Trong đó, nếu người biểu diễn tự mình đầu tư tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện cuộc biểu diễn thì họ là người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp cỏ thoả thuận khác với bên liên quan. Trong trường hợp này người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu sẽ có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với buổi biểu diễn.. Nếu do người khác đầu tư tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện cuộc biểu diễn đó thì chủ sở hữu quyền liên quan là tổ chức, cá nhân đầu tư thì người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu (không đầu tư, người biểu diễn chỉ được thuê biểu diễn), người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư là chủ sở hữu và có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
Theo Khoản 3, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định:
Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan
2. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền liên quan quy định tại Điều 44 của Luật này.
Theo đó, chủ sở hữu của quyền liên quan bao gồm:
- Người biểu diễn sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan;
- Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan;
- Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.
Nếu tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất kĩ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường các bên có thỏa thuận khác với bên liên quan. Như vậy nếu một người đi thuê (họ không là người đầu tư) để định hình lần đầu âm thanh thì họ không có quyền sở hữu với bản ghi âm đó. Tổ chức phát sống là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.
Theo Khoản 3, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 82 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định:
Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan
3. Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình)
Khái niệm “sản xuất bản ghi âm, ghi hình” được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Thứ nhất, đó là các tổ chức, cá nhân sản xuất ra các băng, đĩa hoặc các dụng cụ khác là phương tiện dung cho việc ghi âm, ghi hình. Ở nghĩa này thì nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình chỉ đơn thuần là nhà sản xuất các vật mang tin đối với tác phẩm. Thứ hai, “sản xuất bản ghi âm, ghi hình” là việc các tổ chức, cá nhân dung băng đĩa ghi âm, ghi hình hoặc các vật dụng kỹ thuật khác để ghi lại âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc âm thanh, hình ảnh của một tác phẩm nhất định. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình với tư cách là chủ thể quyền liên quan được hiểu theo nghĩa thứ hai: Đó là tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh cuộc biểu diễn hoặc âm thanh, hình ảnh khác. Trong đó nếu bản ghi âm, ghi hình được tổ chức, cá nhân sản xuất bằng chính thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của mình thì họ là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó.
Theo Khoản 4, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 82 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định:
Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên qua
4. Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng)
Tổ chức phát sóng theo nghĩa chung nhất là tổ chức thực hiện việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được. Hiểu theo nghĩa chung này thì tổ chức phát sóng bao gồm: tổ chức khởi xướng và tổ chức thực hiện phát sóng, tổ chức tái phát sóng và tổ chức tiếp sóng. Trong đó, tổ chức phát sóng được coi là chủ thể quyền liên quan là các tổ chức khởi xướng và thực hiện phát sóng bao gồm các tổ chức phát thanh, tổ chức truyền hình, phát tín hiệu về tinh.
Người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, là những chủ thể đóng vai trò quan trọng, là người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật, đồng thời tạo ra những sản phẩm sáng tạo để công chúng có thể thường thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách trọn vẹn, hiệu quả. Pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ghi nhận quyền của họ đối với tác phẩm, dưới chế định "quyền liên quan". Bài viết dưới đây tập trung phân tích các quy định đối với "quyền liên quan" - một bộ phận không thể tách rời đối với "quyền tác giả", một trong các quyền cơ bản được pháp luật sở hữu trí tuệ ghi nhận.
Để xác định tư cách chủ thể của quyền liên quan đối với chương trình phát sóng, cần phải dựa vào mối quan hệ của tổ chức đó với từng chương trình phát sóng cụ thể. Một tổ chức có thể là tổ chức khởi xướng, thực hiện việc phát sóng đối với chương trình này, nhưng đối với chương trình khác, họ chỉ là tổ chức tiếp sóng hay tái phát sóng và không phải là chủ thể quyền liên quan.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh