2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tư pháp là một trong ba nhánh quyền lực của Nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp), là hoạt động xét xử của các tòa án và những hoạt động của cơ quan nhà nước khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của tòa án như điều tra, truy tố, bổ trợ tư pháp nhằm bảo vệ chế độ, pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích hợp pháp của công dân, tôn trọng và duy trì công lý. Vậy trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp – trợ giúp cho hoạt động tư pháp, khi có vi phạm thì xử lý như thế nào? Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vi phạm quy định về hoạt động của chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Vi phạm quy định về hoạt động của chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, được quy định tại Điều 26 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020.
“Điều 26. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi trưởng chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
b) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
c) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi danh sách trọng tài viên chi nhánh của tổ chức trọng tài nước ngoài;
d) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài; văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
đ) Thông báo hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt hoạt động, hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
e) Đăng báo không đầy đủ nội dung, không đúng thời hạn, số lần về việc thành lập, chấm dứt hoạt động của tổ chức trọng tài nước ngoài;
h) Sử dụng không đúng hoặc ghi không đầy đủ sổ sách, biểu mẫu theo quy định;
i) Đăng ký không đúng thời hạn việc thay đổi tên gọi, lĩnh vực hoạt động của chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài, trưởng chi nhánh, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
k) Thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ báo cáo; báo cáo không chính xác về tổ chức và hoạt động.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay trưởng chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài
b) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi danh sách trọng tài viên của chi nhánh của tổ chức trọng tài nước ngoài;
d) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài; văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
đ) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt hoạt động, hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
e) Không đăng báo khi thành lập, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
g) Không niêm yết danh sách trọng tài viên hoặc các nội dung chủ yếu về đăng ký hoạt động của trung tâm trọng tài;
h) Không thực hiện chế độ báo cáo; không lập, quản lý sổ sách, biểu mẫu theo quy định;
i) Lưu trữ hồ sơ trọng tài không đúng quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoạt động không đúng nội dung giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài;
b) Hoạt động khi chưa được cấp giấy phép thành lập hoặc giấy đăng ký hoạt động;
đ) Không lưu trữ hồ sơ trọng tài;
e) Không cung cấp bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan có thẩm quyền;
g) Không xóa tên trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài khi trọng tài viên không còn đủ tiêu chuẩn làm trọng tài viên;
h) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động.”
Trọng tài nước ngoài
Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam. (Khoản 11 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)
Đăng ký hoạt động chi nhánh, thông báo việc thành lập văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài
Việc đăng ký thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 163/2011/NĐ-CP ngày 28/07/2011.
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở Chi nhánh.
- Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
+ Đơn đăng ký hoạt động.
+ Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Chi nhánh; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh.
Chi nhánh được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải thông báo bằng văn bản về việc thành lập Văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Văn phòng đại diện.
Hồ sơ thông báo gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
+ Thông báo về việc lập Văn phòng đại diện.
+ Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài; trong trường hợp nộp bản sao phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chi nhánh được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải đăng báo hàng ngày của Trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động của Chi nhánh trong ba số liên tiếp về việc lập Chi nhánh.
Thay đổi tên gọi, lĩnh vực của chi nhánh
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 163/2011/NĐ-CP ngày 28/07/2011, chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thay đổi về tên gọi, lĩnh vực hoạt động, gửi hồ sơ đề nghị thay đổi về tên gọi, lĩnh vực hoạt động đến Bộ Tư pháp.
Hồ sơ đề nghị thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
+ Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy phép thành lập.
+ Bản chính Giấy phép thành lập của Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và giấy tờ liên quan đến việc thay đổi (nếu có).
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thay đổi, Bộ Tư pháp xem xét và ra văn bản chấp thuận; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.
Thay đổi trưởng chi nhánh
Trường hợp thay đổi Trưởng Chi nhánh, địa điểm đặt trụ sở của Chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và gửi hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.
Hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
+ Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động.
+ Bản chính Giấy đăng ký hoạt động.
+ Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
Trong trường hợp chuyển địa điểm trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài gửi Thông báo cho Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động và gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp nơi đặt địa điểm trụ sở mới.
Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Có 03 trường hợp mà chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động theo Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 163/2011/NĐ-CP ngày 28/07/2011 là:
+ Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài bị chấm dứt hoạt động theo quyết định của Tổ chức trọng tài nước ngoài.
+ Tổ chức trọng tài nước ngoài thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại Việt Nam đã chấm dứt hoạt động ở nước ngoài.
+ Bị thu hồi Giấy phép thành lập.
Cụ thể như sau:
- Trong trường hợp chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện quy định tại 2 trường hợp đầu tiên, chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp của địa phương nơi đặt trụ sở; đăng báo về việc chấm dứt hoạt động.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp ra quyết định chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện.
+ Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải thanh toán xong các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng lao động; hoàn tất các vụ việc đã nhận (đối với Chi nhánh), trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nộp lại Giấy phép cho Bộ Tư pháp; nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp; nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp và đăng ký việc sử dụng con dấu.
- Trong trường hợp Chi nhánh, Văn phòng đại diện bị thu hồi Giấy phép thành lập thì Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải đăng báo về việc chấm dứt hoạt động; thanh toán xong các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng lao động, hoàn tất các vụ việc đã nhận (đối với Chi nhánh), trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày quyết định của Bộ Tư pháp về việc chấm dứt hoạt động có hiệu lực hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi Giấy phép có hiệu lực, Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải hoàn tất các thủ tục nêu trên và gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về việc chấm dứt hoạt động; nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp.
Vi phạm quy định về hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 17/05/2020.
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi:
+ Hoạt động không đúng nội dung giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của trung tâm trọng tài, chi nhánh của trung tâm trọng tài.
+ Hoạt động khi chưa được cấp giấy phép thành lập hoặc giấy đăng ký hoạt động.
+ Cho tổ chức khác sử dụng giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động để hoạt động trọng tài thương mại.
Căn cứ vào Điều 2,3,4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020, áp dụng nguyên tắc sau đây khi xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Thứ nhất, về hình thức xử phạt
Có 02 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thứ hai, về mức phạt tiền
+ Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.
+ Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Do mức phạt trên 500.000 đồng sẽ áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 57, 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 năm 2012, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020. Theo đó thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo trình tự:
Bước 1: Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Bước 2: Ký biên bản vi phạm hành chính
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.
Bước 3: Giao biên bản vi phạm hành chính
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
Căn cứ vào Điều 83, 84, 86, 87 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
+ Phạt cảnh cáo
+ Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 3.000.000 đồng.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 15.000.000 đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
- Thanh tra viên Tư pháp đang thi hành công vụ có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 500.000 đồng.
- Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Cục Bổ trợ tư pháp đang thi hành công vụ có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 500.000 đồng.
- Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đang thi hành công vụ có quyền
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp.
- Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Tư pháp, Trường đoàn thanh tra chuyên ngành Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thi hành án dân sự; đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25.000.000 đồng.
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 21.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 28.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 35.000.000 đồng.
- Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
- Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình.
+ Đình chỉ hoạt động của trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có thời hạn.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
- Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt 5.000.000 đồng.
- Chánh án Tòa án cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án cấp tỉnh có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 7.500.000 đồng.
- Chánh án Tòa án cấp tỉnh có quyền:
+ Phạt cảnh cáo.
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động bồi thường nhà nước; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Xem thêm:
Tổng hợp bài viết về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh