Vi phạm quy định về ly hôn bị xử phạt như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:31 (GMT+7)

Vi phạm quy định về ly hôn bị xử phạt

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi các thành viên chung sống cùng nhau tạo nên một mái ấm, cùng nhau phát triển, góp phần xây dựng cộng đồng. Gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng tạo nên xã hội yên bình, tồn tại và phát triển lâu dài. Vậy các hành vi vi phạm đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình bị xử phạt như thế nào? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về hành vi vi phạm quy định về ly hôn.

Mức xử phạt

Vi phạm quy định về ly hôn có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, được quy định tại Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020.

Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

đ) Cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số haowjc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Diễn giải một số thuật ngữ

Ly hôn

Ly hôn theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014  là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Cưỡng ép, lừa dối ly hôn

Căn cứ vào Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cưỡng ép ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải ly hôn trái với ý muốn của họ.

Lừa dối ly hôn là việc dùng hành vi đánh lừa, che giấu sự thật nò đó, làm cho cá nhân khác tin vào điều không đúng sự thật từ đó dẫn đến ly hôn. Ví dụ anh A muốn ly hôn chị B nhưng chị không đồng ý, do đó anh cố tình thuê người đóng giả làm bồ nhí, để chị B tin anh đã thay lòng đổi dạ và muốn ly hôn.

Cản trở ly hôn

Theo Khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cản trở ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Lợi dụng việc ly hôn để đạt mục đích khác

Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân là hành vi lừa dối cơ quan có thẩm quyền cũng như những người có liên quan hòng tư lợi cá nhân.

Ví dụ: công ty anh A làm ăn thua lỗ, có thể sẽ phải dùng tài sản cá nhân để chi trả các khoản nợ nên anh bàn với vợ sẽ ly hôn để chia tài sản chung trước khi anh bị tịch thu tài sản. Hai vợ chồng vẫn sẽ chung sống và yêu thương nhau nhưng về mặt pháp luật thì là đã ly hôn.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ vào Điều 2,3,4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020, áp dụng nguyên tắc sau đây khi xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Thứ nhất, về hình thức xử phạt

Có 02 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thứ hai, về mức phạt tiền

+ Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.

+ Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Do mức phạt trên 500.000 đồng sẽ áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 57, 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020. Theo đó thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo trình tự:

Bước 1:  Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Bước 2: Ký biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.

Bước 3: Giao biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Căn cứ vào Điều  83, 84, 86, 87 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

+ Phạt cảnh cáo

+ Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 3.000.000 đồng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 15.000.000 đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra

- Thanh tra viên Tư pháp đang thi hành công vụ có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 500.000 đồng.

- Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Cục Bổ trợ tư pháp đang thi hành công vụ có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 500.000 đồng.

- Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đang thi hành công vụ có quyền

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp.

- Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Tư pháp, Trường đoàn thanh tra chuyên ngành Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thi hành án dân sự; đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25.000.000 đồng.

- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 21.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 28.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 35.000.000 đồng.

- Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

- Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình.

+ Đình chỉ hoạt động của trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có thời hạn.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

- Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án

- Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt 5.000.000 đồng.

- Chánh án Tòa án cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án cấp tỉnh có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 7.500.000 đồng.

- Chánh án Tòa án cấp tỉnh có quyền:

+ Phạt cảnh cáo.

+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động bồi thường nhà nước; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Xem thêm:

Tổng hợp bài viết về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Tổng hợp bài viết về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư